Khát nước sạch giữa “chảo lửa” Nam Đông
Khô khốc Nam Đông
Xã hội Huế – Năm 2004, Dự án ADB và NAP đã đầu tư xây dựng 5 công trình nước tự chảy ở các xã: Thượng Lô, Thượng Long, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn, thuộc huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế với tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, hầu hết các xã đều không có cơ chế quản lý công trình. Sự hư hỏng của công trình khiến nhiều hộ dân ở đây đang lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Cả làng sống chung một vũng nước
Nằm cách thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chừng 10km, xã Hương Hữu như một “chảo lửa” khô hạn giữa hoang hoải núi đồi. Nhiều thôn cả trăm hộ dân phải uống chung một khe nước, trên đồng ruộng đã vắt kiệt những giọt nước ngầm cuối cùng.
Điểm khát của xã Hương Hữu chủ yếu tập trung ở thôn 5, 6 với khoảng 130 hộ đồng bào Cơ tu phải uống chung một vũng nước từ khe suối còn sót lại sau ngày hạn. Qua những con đường liên thôn, giữa cái nắng như đổ lửa, người dân tập trung ở những giếng nước để “vét” những giọt nước cuối cùng. Đánh trần khuân từng xô đá, ông Vương Quốc Hợp, một hộ dân ở thôn 6, cho biết: “Đã gần cả tháng ni rồi, nắng dữ quá. Chưa năm mô thấy hạn nặng như ri. Nước cho người dùng còn hiếm chứ đừng nói đến nước tưới cho cây trồng, gia súc uống”. Mấy ngày liên tục, ông Hợp cùng bà con thôn 6, kẻ góp của, người góp sức vét giếng để tìm nước. “Giếng đào mấy cũng không có nước. Cứ 3 ngày nước rỉ ra thì đủ cho một nhà dùng thôi, phải luân phiên nhau đợi nên đến nay nhiều nhà vẫn chưa có giọt nước nào” – ông Hợp nói với giọng buồn rầu. Người dân cho hay: Đây là những giếng nước có từ trước năm 1975, đã bị bỏ hoang từ lâu. Trong khi hệ thống nước tự chảy được đầu tư từ năm 2008, dẫn từ khe suối, là nguồn “nước sạch” duy nhất dùng cho sinh hoạt của các thôn ở Hương Hữu, đã khô khốc mấy tháng nay, người dân chỉ còn biết cách tìm đến những chiếc giếng cũ.
Tiếp chúng tôi, anh Hồ Văn Xồm – Trưởng thôn 6, nói về khô hạn “lịch sử” của vùng đất Hương Hữu bằng bát nước sôi váng cợn phèn vôi ngay trong chính nhà anh. Anh Xồm bảo: “Uống đi rồi mình kể cái khô hạn, cái cực của dân bản mình cho mà nghe. Mới tháng trước, bắt đầu bước vào mùa hạn, bà con lo lắm, biết chi rồi năm ni cũng thiếu nước uống mà không biết kêu ai. Gọi xã thì xã bảo chờ, vì “nghe đâu” có dự án đầu tư nước sạch. Bà con hết bỏ công ra vét giếng lại cắt cử thanh niên trong làng đi tìm các khe suối, kiếm mạch nước ngầm. Miềng cũng đi, hôm rồi nghe bà con báo ở khe Cờm Rúc có nước, nước từ đất phun lên, nhìn thì trong lại rất mát. Mình tới xem thì đúng là có nước thật. Thế là cả làng tập trung lấy nước ở vũng này để đem về sinh hoạt”.
Lãng phí công trình tiền tỷ
Thấy chúng tôi đến tìm hiểu chuyện nước sạch, nhiều bà con thôn 5, xã Hương Sơn kéo đến và tỏ ra bức xúc. Nhất là vào những ngày nắng nóng như hiện nay, các khe suối bị khô hạn khiến nguồn nước sinh hoạt càng trở nên khó khăn hơn. Ông Hồ Minh Phùn ở thôn 5 nói: “Công trình nước tự chảy có cũng như không! Đã hơn 1 năm nay, gia đình tôi phải lấy nước suối về để sử dụng, bình quân mỗi ngày từ vài chục lít đến nửa khối. Từ nhà đến suối chừng vài cây số, đường đi lại rất khó khăn nên phải mất hơn cả giờ đồng hồ mới gùi được nước về nhà”.
Ngoài ra, hàng chục hộ dân ở thôn 4, xã Hương Sơn cũng lâm vào cảnh tương tự. Ông Hồ Minh Thức (ở thôn 4) nói: “Từ khi có công trình nước tự chảy, gia đình tôi và bà con vui lắm! Không những có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng, mà còn không mất thời gian đi gùi nước từ suối về. Từ hơn 1 năm nay công trình bị hư hỏng, bà con phải quay lại sử dụng nguồn nước suối không hợp vệ sinh”. Cũng như hàng trăm hộ dân khác, sau một ngày vất vả làm nương rẫy, vợ chồng chị Hồ Thị Thương – người dân xã Hương Sơn lại phải mất gần 2 tiếng đi chở nước về dùng. “Em đã lấy chồng ở Hương Sơn 18 năm, nhưng nhà em luôn trong tình trạng không có nước để sinh hoạt” – chị Thương nói.
Lí giải việc công trình nước tự chảy trên địa bàn xã bị hư hại, bà Hồ Thị Thời – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: Công trình nước tự chảy ở Hương Sơn được xây dựng từ năm 2004 do dự án NAV tài trợ với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Công trình có quy mô chiều dài 10 mét, rộng 8 mét, cao 6 mét, với dung tích bể chứa khoảng 250 m3. Đường ống chính dẫn nước từ bể chứa về khu dân cư kích cỡ fi 100, dài trên 2 km, trong đó một nửa đường ống sắt đấu nối một nửa đường ống nhựa và hệ thống đường ống dẫn nước từ ống chính vào các hộ gia đình… Công trình được bàn giao cho địa phương sử dụng và quản lý, phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70% hộ dân trong tổng số 303 hộ trên địa bàn xã. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm nay do các hạng mục đập đầu mối, bể chứa, nắp đậy bị vỡ với khối lượng khoảng 35%; hệ thống đường ống chính bị rò rỉ, dập nát nhiều đoạn nên người dân phải sử dụng nước suối trong sinh hoạt. Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị với cấp trên hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Hiện trên địa bàn huyện Nam Đông có 5 công trình nước tự chảy do các chương trình, dự án trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, dung tích bể chứa khoảng 200 – 300 m3. Các công trình đều được xây dựng từ năm 2004 đến nay đã bị xuống cấp, hư hỏng không phát huy tác dụng. Theo ông Lê Minh Hòa – Trưởng Phòng Dân tộc huyện Nam Đông, nguyên nhân các công trình nhanh chóng xuống cấp chủ yếu là do chính quyền địa phương và người dân thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng. Đặc biệt nhiều người dân chưa được hưởng lợi đã cố tình gây hư hỏng bể chứa, hệ thống đường ống. Việc hệ thống công trình nước tự chảy trên địa bàn huyện bị xuống cấp, hư hỏng đang là vấn đề rất nan giải đối với huyện.
Theo thông tin mới nhất chúng tôi được biết, nhằm “cứu hạn”, “giải bài toán khát nước sạch ở huyện miền núi Nam Đông”, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên – Huế và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xin kinh phí cho dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện Nam Đông, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Nhưng đến nay Bộ vẫn chưa có quyết định về hỗ trợ kinh phí nên công ty vẫn chưa thể lập dự án xây dựng công trình.
Nguồn: daidoanket.vn