Pháp luật Huế

Phá đường dây “khủng“ “biến“ bột ngọt Trung Quốc thành hàng nổi tiếng

Pháp luật Huế – Lực lượng trinh sát Công an Thừa Thiên Huế vừa phát hiện Lê Quý Hiệp (SN 1950, trú tại số 03, kiệt 141 đường Phan Đình Phùng, TP. Huế) vận chuyển 200 gói mì chính có nhãn hiệu chữ nước ngoài Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd. Bước đầu, ông Hiệp khai nhận số mì chính nói trên có nguồn gốc của Trung quốc nhưng được đóng gói thành nhãn hiệu trên…

Tiến hành kiểm tra nhà ông Hiệp, lực lượng Công an phát hiện 765 gói mì chính thành phẩm mang các nhãn hiệu: Ajnomoto, Miwon, A-one, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd… và 11.400 mẫu vỏ bao bì có các nhãn hiệu đã nêu. Ngoài ra, lực lượng Công an tạm giữ 1 cân đĩa loại 2 kg và 1 cái máy dùng để ép dán bao bì ni lông.
Tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Huế phát hiện hàng loạt cơ sở khác có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả. Qua kiểm tra tại nhà Nguyễn Thị Ánh Minh (SN 1983, số 76 đường Tạ Quang Bửu, phường Thuận Thành, TP. Huế), lực lượng chức năng phát hiện nhiều bao mì chính Trung Quốc loại 25 kg có tổng trọng lượng 70 kg, 4.000 mẫu vỏ bao bì có nhãn mác Ajnomoto, Miwon, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd, Safi… và 1 máy dùng để ép dán bao bì ni lông.
Tại nhà Lê Thị Lan, số 8/8 đường Ngô Đức Kế, lực lượng Công an thu giữ một số bao bì, công cụ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp đó, tại nhà Lê Thị Lập (SN 1964, số 07 đường Hoàng Xuân Hãn, phường Phú Bình, TP. Huế) lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện và tạm giữ 1.067 gói mì chính các loại đã thành phẩm mang các nhãn hiệu nêu trên.
Từ lời khai các đối tượng, lực lượng Cảnh sát kinh tế bước đầu làm rõ Trần Thị Mỹ Hương (SN 1972, trú tại 2/14/96 đường Đặng Thái Thân, TP. Huế), buôn bán chợ Đông Ba là người trực tiếp cung cấp số bột ngọt có nguồn gốc của Trung Quốc và các bao bì làm giả nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon, A-one, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd …cho Lê Quý Hiệp, Lê Thị Lan, Nguyễn Thị Ánh Minh…, để thực hiện hành vi sản xuất hàng giả.
Sau nhiều ngày tập trung điều tra, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ 800 kg bột ngọt các loại, 15.400 mẫu vỏ bao bì, 140 bao tải bột ngọt loại Trung Quốc loại 25 kg, 2 cân đĩa, 2 máy ép bao ni lông.       
Thượng tá Trương Minh Tuấn – Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CATP. Huế)- cho biết, sau hơn 3 tháng thực hiện hành vi sản xuất hàng giả, số đối tượng này sản xuất 7- 8 tấn và trung bình mỗi ngày tiêu thụ hết gần 2 tạ bột ngọt. Sau đó, đưa đi tiêu thụ trên địa bàn TP. Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện A Lưới, Phong Điền….
Bọn chúng còn thủ đoạn hơn, sau khi sản xuất ra hàng giả, thuê xe chở lên cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị sau đó nhập trở lại địa bàn TP. Huế và các huyện lân cận để đánh lừa khách hàng, nhất là bột ngọt mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd.
Thượng tá Tuấn cũng cho biết, đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi làm ảnh hưởng rất lớn sức khỏe người tiêu dùng và trật tự quản lý kinh tế của nhà nước. Công an TP.Huế sẽ tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, đồng thời củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can xử lý nghiêm hành vi sản xuất hàng giả của các đối tượng có liên quan.

Nguồn: phapluatvn.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button