Nhiều hộ dân điêu đứng vì cá, tôm chết hàng loạt
Kinh tế Huế – Tính đến ngày 6/6, đã có gần 100 vạn con tôm, cá của 600 hộ dân ở xã Phú Xuân (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) nuôi bị chết, thiệt hại trên 5 tỷ đồng; nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Cuộc sống của người dân ở vùng ven phá Tam Giang đang rơi vào cảnh điêu đứng, bế tắc bởi nợ nần chồng chất…
Chúng tôi tìm về thôn Thủy Diện, một trong những ngôi làng của xã Phú Xuân đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi “bão” dịch bệnh trên đàn cá, tôm vừa mới xuất hiện. 2h chiều, xóm làng nơi đây vắng ngắt khi bà con nông dân kéo hết ra đầm Sam Chuồn gần đó để… vớt cá, tôm chết.
Đứng trên bờ hồ, ông Trần Văn Khâm, Trưởng thôn Thủy Diện, lắc đầu ngao ngán: “Toàn thôn có 130 hộ nuôi thủy sản theo mô hình ghép cá-tôm-cua, nhưng nay số cá Dìa đã chết hơn 80%, tôm chết 50%, cua 30%; hộ thiệt hại ít nhất là 50 triệu đồng, nhiều nhất trên 150 triệu đồng khiến đời sống bà con lâm vào cảnh khốn cùng”.
Cũng như các hộ dân khác, tháng 1/2013, anh Trần Văn Tám ở thôn Thủy Diện, vay mượn trên 100 triệu đồng để mua thả 6.000 con giống cá Dìa và 5.000 tôm, cua trên 4 héc ta mặt nước nuôi ghép. Thế nhưng, đến thời điểm gần thu hoạch, số cá Dìa của anh đã chết sạch; tôm và cua cũng chết nổi trắng hồ khiến gia đình anh rơi vào cảnh trắng tay…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 334ha mặt nước ở thôn Thủy Diện có cá, tôm, cua chết. Trong đó, ngoài gia đình anh Trần Văn Tám thì các hộ như ông Nguyễn Toản, Đào Văn A, Nguyễn Tước… đều bị thiệt hại từ 100 đến 150 triệu đồng. Các thôn Lê Bình, Ba Lăng, Xuân Ổ của xã Xuân Phú cũng chịu cảnh tương tự.
Ông Trần Quốc Việt, cán bộ nông nghiệp xã Phú Xuân còn cho biết: “Khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đi kiểm tra thì phát hiện một loại đĩa nước rất nhỏ bám vào mang cá Dìa sống ký sinh bằng việc hút máu. Thế nhưng, do chưa có đoàn kiểm tra nên chưa thể kết luận đây là nguyên nhân gây bệnh khiến tôm, cá trên địa bàn xã chết hàng loạt được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Phú Xuân xác nhận, xã Phú Xuân có trên 600 hộ sống bằng việc nuôi trồng thủy sản trên ao hồ và đầm phá, và tất cả bà con đều bị ảnh hưởng nặng nề do cá, tôm chết hàng loạt.
“Có thể thời tiết nắng nóng, nguồn nước ô nhiễm nặng đã khiến cho tình hình dịch bệnh trên tôm, cá lây lan nhanh. Xã đã thử các biện pháp khắc phục nhưng không đem lại hiệu quả, ước tính thiệt hại đã trên 5 tỷ đồng”, ông Dũng ngậm ngùi.
Nguồn: cand.com.vn