Ra Huế “đánh mật”
Xã hội Huế – Khi những vườn tràm ở Thừa Thiên – Huế khoe sắc vàng rực rỡ cũng là lúc nơi đây thu hút nhiều người ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ đổ về dựng trại nuôi ong.
Những lán trại tạm bợ bên rừng tràm của người nuôi ong mật.
Bôn ba khắp chốn
Xã Lộc Bổn, Lộc Sơn (huyện Phú Lộc), Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) hiện có hàng trăm người nuôi ong khắp mọi nơi đổ về dựng trại nuôi ong khi các vườn tràm đang vào mùa nở hoa. Anh Văn Hữu Quang vừa đưa đàn ong từ Đắc Lắc ra xã Lộc Bổn “đánh mật” cho biết: “Vào đầu tháng Tư, miền Nam bắt đầu bước vào mùa mưa, mưa kéo dài đến tháng Mười không thích hợp cho đàn ong phát triển nên đa số người nuôi ong mật ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên thường phải di chuyển đàn ong đến nơi khác có thời tiết thuận lợi hơn”.
Anh Nguyễn Duy Phát, người có nhiều năm nuôi ong chia sẻ: “Mấy năm trước, vào mùa này là tôi chuyển đàn ong mật ra tận Bắc Giang. Hết mùa vải, nguồn thức ăn cho ong giảm, tôi lại đưa đàn ong vào Bình Phước cho kịp mùa điều ra hoa. Mỗi lần vận chuyển đàn ong đi xa vậy thì rất tốn kém. Nghe bạn bè giới thiệu ở Lộc Bổn có diện tích keo tràm lớn, lượng mật từ hoa tràm nhiều nên từ năm ngoái tôi chuyển đàn ong ra đây. Năm trước mang 1.200 cầu ong, thu được gần 1 tấn mật. Thấy hiệu quả, năm nay tôi chuyển 1.800 cầu ong. Tuy nhiên, năm nay ở đây hay mưa nên đàn ong không phát triển tốt, lượng mật thu hoạch thấp”.
Nhiều người nuôi ong cho biết để nuôi ong thành công không phải là một chuyện đơn giản. Đàn ong phát triển nhiệt độ tốt nhất là 36-37 độ C. Vì vậy, người nuôi ong thường phải di chuyển đàn ong đến nơi có nhiều nguồn thức ăn đồng thời có nhiệt độ thích hợp để đảm bảo đàn ong phát triển tốt.
Ra Huế mới biết có “thuế” nuôi ong
Mang đàn ong mật ra Huế nuôi lần đầu năm 2010, anh Quang đã nộp cho chính quyền địa phương 2 triệu đồng. Anh Quang kể, khi mang ong ra nuôi ở xã Lộc Bổn, ngoài việc thỏa thuận thuê vườn tràm của người dân với giá 1,5 triệu đồng, anh còn phải nộp “thuế” 2 triệu đồng cho 200 thùng (đàn) ong của mình cho chính quyền địa phương.
Năm nay chính quyền địa phương có cách đánh “thuế” ong mới khi tính theo thùng nuôi ong mà nộp thuế, một thùng 10 ngàn đồng. Anh Quang cũng như hàng trăm người nuôi ong mật mang ong ra nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế rất bức xúc về cách thu tiền của chính quyền địa phương. “Gắn bó với nghề nuôi ong hơn chục năm nay, đi từ Nam ra Bắc, từ vụ mùa cà phê ở Tây Nguyên cho đến mùa vải thều ở Bắc Giang, tôi chưa thấy có địa phương nào lại thu thuế nuôi ong như ở Huế” – anh Quang nói.
Anh Văn Hữu Quang chăm sóc đàn ong
Nhiều người nuôi ong cho biết, họ sẵn sàng đóng góp kinh phí cho chính quyền địa phương để chính quyền tổ chức các hoạt động xã hội như tổ chức phát học bổng cho học sinh, hoặc sửa chữa đường sá phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, điều mà họ băn khoăn là địa phương thu tiền nhưng không có chứng từ gì, không biết khoản tiền ấy sẽ… đi về đâu.
Anh Hồ Đức Thắng, một người dân cho biết, người nuôi ong đến Lộc Bổn đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Một số người có thể học hỏi cách nuôi ong mật để phát triển kinh tế. Thực tế, có không ít người nuôi ong còn gặp phải cảnh bị thanh niên địa phương xin đểu. Anh Phát cho hay: “Mấy hôm trước trại tôi có một số thanh niên mang cả mã tấu vào khống chế hai em tôi “đòi” tiền. Lúc đó trong túi tôi con hai trăm nghìn đánh đưa cho chúng. Tôi định đưa đàn ong vào lại Đác Lắc nhưng chưa xoay kịp tiền để trả phí vận chuyển, đang chờ bán mật để có tiền vào”.
Ông Trần Văn Hoa, Chủ tịch xã Lộc Bổn cho hay, thấy người nuôi ong lấy mật có lời khá nên chính quyền xã thu người nuôi ong một thùng là 10.000 đồng, để tạo nguồn ngân sách cho địa phương.
Nguồn: phunuonline.com.vn