Xã hội Huế

Người cựu binh phục bắt quả tang nhà máy xả thải

Xã hội Huế – Mỗi lần trời đổ mưa to, ông Nguyễn Ấm (57 tuổi) lại lặng lẽ mang mấy chiếc chai nhựa đi ra con hói – nơi mà nhà máy thuộc khu công nghiệp (KCN) Phú Bài xả trộm chất thải để lấy mẫu nước gửi cơ quan chức năng. Đã hơn 5 năm nay, việc làm của ông Ấm đã giúp cho Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế có thêm nhiều bằng chứng về việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường…

Trong ngôi nhà cấp 4 nằm cuối thôn 7 ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế), ông Ấm loay hoay ghi chép bên mấy chai nước có màu xanh, vàng đục khác nhau. Đưa cho chúng tôi cái chai 500ml bên trong chứa nước màu xanh thẫm, ông Ấm nói: “Nước trong chai này được tui lấy từ cống xả thải của nhà máy KCN Phú Bài trong trận mưa tối qua đó”…

Qua tìm hiểu được biết, sau 4 năm xây dựng, năm 2010, KCN Phú Bài tại thị xã Hương Thủy đi vào hoạt động. Dù nhà máy trong KCN Phú Bài đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, nhưng từ đó đời sống của hàng trăm hộ dân ở xã Thủy Phù bắt đầu chịu sự ảnh hưởng bởi dòng sông Phú Bài bị nước thải “tấn công” gây ô nhiễm trầm trọng.

“Thời điểm cuối năm 2010, nhiều hộ dân trong xã bất ngờ khi có trâu bò đẻ non rồi chết do uống nước sông Phú Bài. Hàng trăm lồng cá của bà con nuôi trên sông cũng bị chết hết… Nghi do nước thải của nhà máy KCN Phú Bài gây ra nên chờ đến hôm trời mưa, tui đã chạy lên cống nước của nhà máy đặt ở con hói để lấy mẫu nước thải rồi nhờ cơ quan chức năng kiểm tra”.

Ông Ấm kể tiếp rằng, sau đó, dù nhiều lần ông và đại diện chính quyền địa phương phát hiện nhà máy KCN Phú Bài xả thải ra môi trường nhưng phía nhà máy luôn chối đây đẩy hành vi xả trộm chất thải của mình. Tháng 12-2012, ông Ấm phát hiện nhà máy lợi dụng lúc trời mưa để xả thải ra ngoài, ông liền báo với lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã bất ngờ về lấy mẫu và khẳng định nhà máy thải trộm nước thải ra ngoài nhưng phía nhà máy lại biện minh rằng: “Do đường ống gặp sự cố, không hề hay biết…”.

Dẫn chúng tôi ra đứng bên mép con sông Phú Bài, ông Nguyễn Anh – Trưởng thôn 7, tâm sự rằng: “Mấy năm trước, nước con sông này xanh vắt như nước sông Hương, bà con nuôi đủ loại cá lồng trên sông, rứa mà chừ không ai còn dám nuôi nữa. Trâu, bò uống nước sông Phú Bài cũng dần chết hết…”.

Bức xúc khi 500 hộ dân chịu ảnh hưởng từ việc xả trộm chất thải của KCN Phú Bài, đặc biệt là 60 hộ dân ở thôn 2 và 150 hộ dân ở thôn 7 không thể sản xuất, phát triển kinh tế… do ao hồ, sông suối đều bị nhiễm chất độc, ông Ấm cùng một số hộ dân ở thôn 7 quyết định bắt quả tang nhà máy Phú Bài xả thải phải có trách nhiệm với người dân. Thế rồi, cứ mỗi lần nhà máy xả thải, ông đều lặn lội đi lấy mẫu rồi đem về cất giữ và ghi chép, thống kê cẩn thận để làm bằng chứng…

Bà Ngô Thị Thương (vợ ông Ấm) trải lòng: “Thấy việc ông nhà làm có lợi cho bà con nên sau này tui không còn khuyên can nữa. Ông ấy hay nói vui rằng: Nhà mình giờ chứa nhiều chất độc hóa học nhất xã khi mẫu nước nào trong lọ, trong chai cũng có vài loại chất độc…”.

Nói về việc làm của cựu binh Nguyễn Ấm, bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho hay: Nhiều năm qua, nước thải từ nhà máy KCN Phú Bài đã làm sông Phú Bài bốc mùi hôi thối, cá chết nổi trắng sông mà người dân không biết phải kêu ai. Thế nhưng, ông Ấm đã dũng cảm đi thu thập bằng chứng và giúp cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ nhà máy thải  xả trộm. “Biết nhà máy chây ì trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường cho người dân trên địa bàn xã, nhưng xã vẫn luôn động viên và ủng hộ việc làm bảo vệ môi trường của những nông dân như ông Ấm…”, bà Ngọc bày tỏ.

 

Theo: Lê Anh – cand.com.vn

 

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button