Duy trì “vựa” môn qua mùa dịch
[ad_1]
Nông dân Phú Thượng chăm sóc tốt cây môn, duy trì qua mùa dịch
Theo ông Võ Quốc Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thượng, môn là loại màu được trồng để phục vụ chủ yếu cho các hàng quán cơm hến; một phần bỏ mối cho các quán cơm “bụi”…, cho thu nhập cao gấp từ 7- 10 lần trồng lúa; được trồng tập trung ở các thôn Ngọc Anh, Chiết Bi, Tây Trì Nhơn, với tổng diện tích gần 3 ha.
Ông Hồ Văn Thọ (thôn Chiết Bi) cho biết, có 2 sào đất lúa chuyển đổi, vợ chồng ông thuê thêm 5 sào đất, để trồng môn từ 7 năm nay. Cây môn trồng 4 tháng là thu hoạch. Ngày nào cũng thu hoạch bằng hình thức cắt tỉa bẹ, thời gian kéo dài trong 1 năm, cho đến năm sau thì trồng lại. Với 7 sào môn, bình quân gia đình ông Thọ thu lãi 350- 400 nghìn đồng/ngày.
“Đầu tư cho môn “nặng” nhất là ở công chăm sóc. Nhổ cỏ, bón phân cứ “vòng vòng” hết từ đầu ruộng lại đến cuối ruộng, ngày này qua ngày khác. Vất vả, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng chịu thương, chịu khó, lấy công làm lãi. Thay vì cắt bẹ bán chúng tôi tự mình thực hiện công đoạn xắt môn thành món rau sống bán cho mối hàng cơm hến thì lãi thu được còn cao hơn. Rất mừng vì từ khi trồng môn, kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định, khấm khá”- ông Thọ bộc bạch.
Với diện tích suýt soát 5 sào, trồng môn gần chục năm nay, chăm chỉ sớm hôm, khéo vun vén, nên kinh tế hộ ông Huỳnh Văn Tú (thôn Tây Trì Nhơn) thuộc diện có “của ăn của để”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Ngọc Anh) cho hay, dù gia đình ông chỉ có hơn 1,5 sào môn, nhưng nhờ “món” này mà 9 năm qua, thu nhập của gia đình ông luôn đảm bảo ổn định. “Hầu như ngày nào cũng cắt môn bán. Thu nhập mỗi ngày từ 1,5 sào môn, nếu được giá thì tầm 150 nghìn đồng” – ông Tuấn chia sẻ.
Mỗi hộ trồng môn đều có mối hàng quen. Đó là các quán, hàng cơm hến hoặc các cơ sở lấy sỉ bẹ môn (tập trung ở cồn Hến, phường Vỹ Dạ) về sơ chế thành rau sống, bỏ mối cho hàng, quán cơm hến trên địa bàn toàn tỉnh. Môn còn được muối dưa bỏ mối cho các hàng cơm “bụi” hoặc bỏ mối ở các chợ, tăng thêm thu nhập cho người trồng.
Tuy nhiên hiện nay, các hộ trồng môn lo lắng, khi diễn biến tình hình dịch COVID-19 đang phức tạp; đang trong thời kỳ thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; các quán, hàng cơm hến, cơm “bụi” đã đóng cửa thời gian qua và sẽ còn đóng cửa trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, ngày nào chúng tôi cũng ra ruộng môn, cắt vứt các bẹ tàn, hư; vẫn nhổ cỏ, bón phân, duy trì qua mùa dịch. Có tổn hại về thu nhập, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng duy trì ruộng môn một cách tốt nhất, để khi mọi hoạt động trở lại bình thường, chúng tôi có ngay sản phẩm cung cấp, đáp ứng thị trường”- ông Tuấn bày tỏ.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng thông tin, dù là “vựa” môn trên địa bàn tỉnh; thu nhập từ trồng môn rất cao, nhưng Phú Thượng đang gặp khó khăn trong mở rộng đầu ra cho môn, nên chưa thể mở rộng thêm diện tích trồng. Hiện, địa phương có hướng khuyến khích người dân trên địa bàn nghiên cứu chế biến, “nâng” món môn muối chua thành thương hiệu, có thể tiêu thụ các tỉnh khác như các sản phẩm mắm dưa cà của Phú Vang.
Bài, ảnh: QUỲNH ANH