Kinh tế Huế

Chưa hẳn nhiều đã hay, to đã tốt

[ad_1]


Ngành nông nghiệp cần hướng đến chất lượng hơn là sản xuất đại trà

Hồi giờ cứ tưởng nền nông nghiệp Thái Lan hiện đại, nhưng chưa hẳn vậy. Năng suất lúa của Việt Nam đạt trung bình 5,6 tấn/ha (số liệu năm 2016), trong khi Thái Lan chỉ nhỉnh hơn 2,9 tấn.

Đọc những con số này tôi lại nhớ câu chuyện kể của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Ông kể lại một cách dí dỏm về một lần tham quan ngành nông nghiệp Thái Lan. Đại ý, khi đi thăm một trang trại trồng dứa (khóm), thấy trái dứa vừa nhỏ vừa chua hơn, ông nghĩ thầm trong bụng, qua Việt Nam bày cho trồng dứa. Ông hỏi vì sao vậy. Họ bảo hồi xưa cũng trồng được dứa to và ngọt, nhưng sau phải nghiên cứu để có được giống dứa như bây giờ. Dứa ngọt quá bây giờ người ta ít chuộng, sợ bị bệnh. Dứa to quá thì không ăn, ép nước (tươi) uống hết một lần.

Câu chuyện kể của ông Nhị nói lên rằng, chúng ta không phải cứ sản xuất cái gì chúng ta có. “To bự” chưa hẳn là hay, sản xuất phải đi theo nhu cầu thị trường.

Thừa Thiên Huế cũng chưa bao giờ dừng cuộc đua chạy theo năng suất (lúa). Trong thời kỳ đổi mới trước đây, xã Thủy Dương (huyện Hương Thủy) đạt danh hiệu “Đơn vị Anh hùng” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng nhờ năng suất lúa tăng cao. Cái thời đưa kỹ sư nông nghiệp về “ba cùng” với nông dân, năng suất lúa đạt khoảng 40 tạ/ha là đã thành công. Giờ năng suất lúa sáu lăm, bảy mươi, thậm chí cao hơn nữa là chuyện bình thường. Năng suất lúa bình quân của Thừa Thiên Huế trong năm 2019 vừa qua đạt 62,6 tạ/ha.

Vấn đề là ở chỗ, năng suất lúa cao nhưng hiệu quả kinh tế có cao hơn không mới là chuyện đáng bàn?

Tôi thuê một người làm bảo vệ ban đêm, anh người làng Hương Cần (Hương Toàn, Hương Trà). Anh có vợ và 3 đứa con, nhà làm 5 sào ruộng. Làm ruộng không đủ sống nên hàng ngày, vợ anh đi làm bốc vác ở bến xe phía Nam, anh thì đi chăm cây cảnh khi người ta cần. Khi viết bài viết này, tôi điện hỏi anh về chuyện trồng lúa, anh kể rành rẽ.

Khi trồng lúa em có hạch toán được không?

– Được chớ

Em làm mấy sào ruộng?

– 5 sào

Chi phí ra sao?

– Nhiều….

Anh cho biết, làm 5 sào ruộng chi phí tiền giống, sức kéo, thủy lợi, phân bón hết 2,6 triệu đồng. Đây là tiền trả cho HTX (HTX ứng trước cho người nông dân và thu lại sau mùa vụ). Thuốc trừ sâu anh phải tự mua khoảng 500 ngàn; tiền gặt tự trả khoảng 550 ngàn đồng. Tổng chi phí cho 5 sào ruộng khoảng 3,7 triệu đồng.

Tôi hỏi năng suất lúa được bao nhiêu. Anh cho biết vụ thường (hè – thu) từ 3 -3,5 tạ/sào; vụ mùa (đông – xuân) có khi 3,7-4,0 tạ/sào. Như vậy, năng suất trung bình cả năm khoảng 3,5 tạ/sào.

Về giá bán, anh cho biết thường dao động từ 550 – 600 ngàn đồng một tạ.

Tôi nhẩm tính với 5 sào ruộng, mỗi vụ anh thu chừng 1,7 tấn lúa, quy ra tiền khoảng 10,2 triệu đồng. Nếu trừ đi chi phí, mỗi sào lúa một vụ thu lợi khoảng 1,2 triệu đồng.

Nếu tính thêm công như: gieo lúa, dặm lúa, bơm thuốc trừ sâu, thăm đồng, bơm nước, gặt lúa thì có lẽ lãi ròng cũng không được bao nhiêu!?

Chuyện này giải thích vì sao thanh niên bây giờ ít ai chịu làm lúa. Nhưng lúa vẫn đầy đồng, vẫn xanh tươi. Ấy là nhờ những người lớn tuổi. Họ ít có cơ hội để làm những việc khác. Và có thể còn những lý do khác như họ đã quen và vui với đời sống ruộng đồng; thóc đầy bồ thì chẳng lo gì đói… (nói theo cách nói thời hiện đại là an ninh lương thực).

Có an ninh lương thực nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất ngày càng bạc màu, lương thực, thực phẩm ngày càng nhiễm độc là những vấn đề phải cần tính toán. Giờ là lúc chúng ta tính toán về chất lượng, hiệu quả kinh tế chứ không thể tuyền chạy theo số lượng. Phải tính trên một diện tích đất đai đưa lại đồng lãi nhiều nhất, ít ảnh hưởng đến môi trường nhất. Và đương nhiên, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhất.

Đã có những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chuyển lúa sang cá, trồng sen, trồng rau; một vụ lúa một vụ cá; lúa cá xen ghép; chuyển từ trồng theo phương thức như hiện nay sang phương thức hữu cơ…

Cũng là cách làm ra những gì nhu cầu thị trường cần, đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhất, đời sống người dân tốt nhất. Như câu chuyện của ông Nguyễn Minh Nhị, làm ra trái dứa nhỏ mà bán thu lợi nhiều còn hơn là làm ra được trái dưa… to “tổ bố”. Những câu chuyện như vậy không hiếm trong thực tế – ớt cao sản bán được nhiều tiền hơn các loại ớt khác; dừa xiêm đắt hơn dừa ta; cá rô, lóc đồng… đắt hơn cá nuôi.

NGUYÊN LÊ

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button