Vua ghe ở đất cố đô
Văn hóa Huế – Từ thuở nhỏ câu hò đệm “dồn la dồn” vang ra hòa trong tiếng vỗ tay, tiếng phèn la của bạn chài giữa dòng nước Hương Giang đã ăn sâu trong máu thịt của “vua ghe” Trần Lúa. Ông không nhớ rõ mình đã đạt quán quân bao nhiêu lần ở các lễ hội đua thuyền truyền thống..
1. Sinh ra ở làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế ngay từ thời trai trẻ, Trần Lúa đã nổi tiếng trong làng với 7 năm vô địch liên tiếp tại hội vật truyền thống làng Sình. Đến lúc lấy vợ ông Lúa từ giã môn Vật ưa thích, tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng chinh phục các giải đua ghe từ cấp xã đến cấp tỉnh. Ngoài khả năng đặc biệt “nhìn bằng mắt” là có thể đoán được ghe nào thắng hoặc bại, ông Lúa còn tự mình tìm tòi, nghiên cứu lịch sử ra đời trò chơi đua ghe ở xứ sở Thuận Hóa xưa và Thừa Thiên – Huế hôm nay, “vua ghe” kể: “Trò đua ghe, đua trãi là một trong những môn thể thao tồn tại lâu đời nhất ở Huế, từ buổi đầu người Việt theo chân các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi và vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay”.
Mê ghe, ông Lúa trút bỏ công việc đồng áng. Tranh thủ thời gian nông nhàn, tìm đến các làng ghe Vân Thê, Đốc Sơ, Triều Sơn tìm gặp những bậc cao niên có chuyên môn về ghe đua để học hỏi kinh nghiệm và thu thập tư liệu. Theo những tư liệu Trần Lúa sưu tầm từ những bản dịch của Dương Văn An, Lê Quý Đôn và Nguyễn Khoa Chiêm viết về vùng đất Thuận Hóa: Hàng năm cứ đến ngày đầu Xuân người dân khắp các làng ở kinh đô Phú Xuân, đi đò từ sông Đông Ba, Kẻ Vạn, Như Ý nườm nượp kéo đến sông Hương xem lễ hội đua ghe do các phủ chúa tổ chức để chào đón năm mới. Lúc đó chỉ có những làng ghe đua nổi tiếng như Vân Thê, Phú Mậu, Đốc Sơ, Thanh Thủy Chánh, Triều Sơn mới được phép cử đội đua ghe lên kinh đô dự thi. Tùy từng năm các phủ chúa có thể tổ chức lễ hội đua thuyền bằng loại ghe đan (ghe làm bằng chất liệu tre) hoặc trãi (ghe thường được làm bằng chất liệu gỗ lim) với những giải thưởng rất hậu hĩ. Nếu ghe của làng nào đạt giải “Tam tiền liên thắng” thì năm đó con, dân trong làng làm ăn phát tài. Ngoài ra ghe đạt giải nhất còn được các phủ chúa tặng cờ phướn và một con bò to để mở hội vui xuân trong 3 ngày tết Nguyên Đán.
Đến sau này việc tổ chức đua ghe ở Huế thường gắn liền với các lễ hội nông nghiệp hay ngư nghiệp. Người dân ở các làng quê thường tổ chức đua ghe vào các dịp lễ, Tết hoặc trước khi bước vào vụ mới, như là một phần của những hoạt động mang tính tâm linh nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thụ.
2. Để trở thành một người chơi ghe nổi tiếng ở Huế như ngày hôm nay, ông Lúa đã nhiều lần ngậm ngùi khi nhìn thấy chiếc ghe mới đan xong hạ thủy lần đầu đã bị đắm chìm ở ngay vè rốn. Ông tâm sự: ” Ngó rứa chứ làm được một chiếc ghe đua ưa ý khó lắm. Đôi lúc bỏ ra cả trăm triệu để đan 2 đến 3 chiếc ghe nhưng khi đua chỉ chọn được một chiếc. Quan niệm của dân chơi ghe cho rằng: Ghe nào mới lần đầu thả xuống đua đã bị ghe đối phương đánh chìm thì ghe đó xui lắm không thể bơi được. Nghề làm ghe cũng như các công việc khác nếu không có “tâm chơi” thì thể nào cũng xảy ra những sai số trong các khâu làm ghe. Có khi mất thời gian cả tháng trời vẫn chưa thể chọn ra giống tre tốt để đan ghe”.
Theo tìm hiểu của “vua ghe” Trần Lúa, ghe đua ở Huế khác biệt hoàn toàn với ghe ở những vùng khác. Ghe đua Huế thường gọi là ghe mực, thân dài, loại nhỏ nhất có 7 người chèo, loại lớn chứa từ 12 đến 13 bạn bơi. Ngoài ra lườn ghe thường được đan bằng cật tre. Tre dùng để đan ghe phải là loại tre không cụt đọt, dáng tre phải to khỏe và thẳng đứng. Đốt tre phải có những đường rằng đỏ ong thì khi làm mũi mới chắc, lái mới vững. Ông Lúa quan niệm: “Ghe đua ngon ăn quan trọng là người đứng giữ mũi lái, thuyền theo lái, gái theo chồng mà. Vì rứa trước khi vào hội đua ngoài việc dân làng tập luyện nhuần nhuyễn, phải chọn ra người cầm lái vừa có sức khỏe, vừa đức độ được mọi người trọng dụng, làng nào lái tốt mới hy vọng giành được “tam thắng”.
Để chuẩn bị chu đáo trong hội đua thuyền truyền thống, các làng có ghe đua ở Huế thường tổ chức các nghi lễ cúng ghe rất trang nghiêm. Ngày đua đến, những chiếc ghe đủ màu sắc từ các thôn, làng tập hợp về một quãng sông sẵn sàng bước vào cuộc tranh tài. Hai bên bờ sông, dân chúng tụ tập đông đúc, luôn miệng hò reo cổ vũ cho đội nhà trong tiếng trống dồn dập, náo nức. Cuộc đua thường diễn ra từ sáng sớm, đến chiều thì chấm dứt. Mỗi lượt tranh tài, đội đua phải bơi đủ “ba vòng, sáu tráo” trên một khúc sông được giới hạn bởi hai cọc tre tươi làm cọc tiêu, gọi là vè, trước khi lái chính tháo mái chèo mang lên bờ nộp cho ban giám khảo. Mỗi cuộc đua thường có những giải thưởng như giải cúng, giải phá, tam thắng, phong cách.. Giải cúng là giải thưởng cho đội thắng trong lượt đua đầu tiên vào buổi sáng. Phần thưởng của giải cúng là một mâm cau trầu và một chai rượu. Giải phá là giải thưởng cho đội thắng trong lượt đua cuối cùng vào buổi chiều. Phần thưởng của giải là một lá cờ đỏ, không có hiện vật kèm theo. Lá cờ này vốn là biểu tượng của cuộc đua, sẽ được đội thắng mang về treo trong đình làng như một niềm vinh dự của đội đua làng ấy.
3. Ở Huế có rất nhiều người làm ghe đua, nhưng không hiểu sao mỗi lần xuân về tết đến nhà ông Lúa thường đông kín người. Họ đến từ huyện Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền thậm chí có người ở ngoài tận Quảng Bình, Quảng Ngãi vào để xin được thỉnh ghe Trần Lúa tham gia hội đua mừng xuân mới lấy phúc đức cho làng. Và cũng không biết ông có bí quyết riêng gì, gần 20 năm gắn bó với thú chơi dân dã “vua ghe” đã “ẵm” đủ tất cả bộ sưu tập cờ thưởng về các giải đua ghe trong cũng như ngoài tỉnh.
Nghe “vua ghe” nói chuyện ghe đua cả ngày thiệt tình trong lòng tôi nghĩ chắc “vua ghe” giàu lắm, hóa ra lâu nay ông chỉ toàn “giàu cờ, giàu bằng khen”. Mỗi đợt đua thuyền, đứng trên vai trò là chủ ghe ông phải thành lập đội bơi cho ghe mình. Nếu ghe đua đoạt giải, số tiền này sẽ được chia đều cho tất cả bạn chài, phần thưởng của chủ ghe chỉ là một mâm cao trầu rượu có khi là một con heo nhỏ nếu ghe mình đạt giải tam thắng…
Nguồn: Hồ Ngọc Minh – baomoi.com