Bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống – kỳ 2: Phát triển rừng cần dựa vào thực tiễn
[ad_1]
Thủy điện Rào Trăng 4 xây dựng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền
Từ những thảm nạn
Không chỉ ở Thừa Thiên Huế, những vụ lở núi, lũ quét kinh hoàng đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành miền Trung. Những thảm họa này không phải xảy đến bây giờ mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước.
Cần có một đánh giá khoa học, tổng thể để xác định nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Song có một điều được các nhà nghiên cứu khẳng định, mưa có cường độ lớn hình thành dòng chảy mặt lớn và đặc biệt lớn tràn ngập trên lưu vực nhỏ vùng núi dốc, có độ che phủ rừng ít, bị khai thác mạnh mẽ, tiềm ẩn nhiều điều kiện cho xói mòn, rửa trôi đất đá bùn cát… sẽ dẫn đến lũ quét và tác động của hoạt động kinh tế công trình của con người, như tăng cao độ dốc sườn khi thi công các tuyến giao thông, kênh mương, đê đập, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác rừng đầu nguồn… là một trong những lý do gây nên trượt lở đất.
Theo nhân định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tai biến địa chất trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp có độ cao từ 250-750m với độ dốc tù 15- 25% ở A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thuỷ chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.
Cần nâng cao độ che phủ rừng về chất
Trong quá khứ và hiện tại, trượt lở trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra dọc tuyến Quốc lộ 1A, đèo Hải Vân, dọc tuyến Quốc lộ 49 từ Huế đi A Lưới, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh… Những tai biến trượt lở ở khu vực này liên quan đến đá phiến, cát bột kết bị phong hoá mạnh tạo lớp vỏ phong hoá dày, kém ổn định, độ dốc địa hình cao và thảm thực vật kém phát triển do bị huỷ diệt trượt lở có khả năng đe doạ đến cuộc sống của một số hộ dân.
Mới đây, vụ sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 khiến người ta hoài nghi về việc mất rừng ngay tại khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền dẫn đến thảm nạn này.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thành lập nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung. Song, tại khu vực này, các nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, 1 nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến 200 ha rừng đặc dụng bị mất, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học. Trong số diện tích trên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền mất gần 30 ha rừng tự nhiên để xây dựng nhà máy thủy điện Alin B2 và Rào Trăng 3…
Giữ rừng là giữ sinh mạng của con người
Thảm thực vật đóng vai trò đặc biệt quan trọng, làm cản trở quá trình xói mòn, trượt lở đất, lũ quét, che chắn mặt đất. Nó không chỉ bao gồm cây rừng mà là toàn bộ lớp phủ thực vật. Cấu trúc cây của thảm thực vật cũng có ý nghĩa quan trọng. Rừng nhiệt đới với tán lá rộng nhiều tầng, bộ rễ ăn sâu không chỉ có tác dụng triệt tiêu động năng của hạt mưa mà còn làm giảm dòng chảy mặt.
Thông qua chế độ quản lý khai thác rừng, sử dụng đất, chế độ canh tác trong nông lâm nghiệp, con người không chỉ đã làm thay đổi tỷ lệ che phủ mặt đất mà còn làm thay đổi cấu trúc của các tầng đất mặt, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng xói mòn, trượt lở đất bề mặt lưu vực.
Duy trì sự phát triển của những cánh rừng đồng nghĩa với bảo tồn bầu khí quyển, nguồn sống cho con người. Tại nghị trường Quốc hội tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Rừng còn quan trọng hơn cả trời, bởi rừng lọc khí CO2 và tạo O2. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên và cung cấp cho cuộc sống con người. Rừng là những gì hết sức thiêng liêng, rừng sinh thủy, rừng chứa chúng ta và trong chiến tranh thì rừng che bộ đội”.
Không phủ nhận những công trình, hạ tầng ít nhiều giúp ổn định đời sống dân sinh, phát triển kinh tế. Song, thực hiện các dự án xây dựng sẽ có những tác động nhất định đến việc bảo tồn và đa dạng sinh học. Việc thi công sẽ tác động đến môi trường sống của các loại động thực vật…
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, đã đến lúc con người nhìn nhận, đánh giá lại khi xây dựng các công trình có tác động vào tự nhiên. “Đến một lúc nào đó, chúng ta không thể xẻ rừng, bạt núi để xây dựng công trình. Trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống lũ lụt và bảo vệ môi trường sống của con người, rừng đóng vai trò rất quan trọng”, ông Hùng chia sẻ.
Với những người dân vùng cao, từ bao đời nay, họ sống tựa vào rừng cây, ngọn núi. Tư duy dẫu có đổi thay qua từng thời kỳ song, trong họ rừng vẫn thiêng liêng, quan trọng hơn cả mạng sống con người.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ cho biết, nếu chia thu nhập của người dân ra làm 3, thu nhập dựa vào rừng chiếm đến 2 phần. “Thời kỳ trước, khi khó khăn, không ít người vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Bây giờ thực trạng đó đã giảm hẳn, họ biết trồng rừng để phát triển kinh tế, dựa vào rừng để khai thác những nguồn lợi khác. Với người đồng bào, mất rừng xem như mất cần câu cơm”, ông Hồ nói.
Tùy vị trí, chọn cây gây rừng hợp lý
Rừng trồng trên địa bàn tỉnh đang tạo ra sinh kế cho người dân. Song, ngoài mục đích kinh tế, rừng trồng hiện nay liệu có bền vững, góp phần ứng phó thiên tai hay không vẫn còn là dấu hỏi. Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói: Mất rừng cũng do người ta đã thay thế rừng bằng những cánh rừng sản xuất bình thường. Khi không phù hợp với hệ sinh thái đó thì hệ sinh thái rừng nông nghiệp hoặc lâm nghiệp cũng không có giá trị.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cùng Quốc hội rà soát từng m2 đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì phải phục hồi lại rừng; phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất là rừng tự nhiên.
Tại Thừa Thiên Huế, những dự án trồng rừng góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, hạn chế và chấm dứt tình trạng du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng nghìn hộ dân. Rừng cao su, keo tràm giúp những địa phương vùng núi thay da đổi thịt. Song, ngoài mục đích sinh kế, khi nhìn nhận lại tác dụng đặc trưng của rừng, nhiều chuyên gia cho rằng, các loại cây rừng này dường như chưa có tác dụng nhiều để giữ đất, giữ nước trong tương lai, đặc biệt là ứng phó với thiên tai.
Những đợt bão vừa qua, rừng sản xuất của người dân bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt tại huyện miền núi Nam Đông. Riêng bão số 9, trên địa bàn này có 2.500 ha keo tràm, 1.500 ha cao su đang giai đoạn khai thác bị gãy đổ, thiệt hại kinh tế là rất lớn.
Câu hỏi đặt ra, có nên thay thế các loại cây này hay không, bởi đây không phải lần đầu tiên bị thiệt hại? Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Hữu Huy cho biết, hiện vẫn chưa tìm ra loại cây nào phù hợp, giá trị hơn keo tràm, cao su để đưa vào sản xuất, che phủ rừng tại Thừa Thiên Huế.
Theo ông Huy, người dân đã gắn bó mật thiết với cao su, keo tràm từ mấy chục năm nay, do vậy việc chuyển đổi sẽ tác động đến nhiều mặt và cần cả quá trình dài lâu. “Dẫu không bằng các loại cây bản địa nhưng cao su, keo tràm vẫn có tác dụng giữ đất, giữ nước. Việc trồng các loại cây này sẽ tạo ra kinh tế trong thời gian ngắn, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nếu thay thế bằng cây bản địa phải mất mấy chục năm mới hình thành rừng, trong thời gian đó, việc xói mòn vẫn xảy ra. Do vậy câu chuyện chuyển đổi cần được nghiên cứu kỹ. Chúng tôi đang nghiên cứu ở một số địa hình sườn dốc cao có thể thay thế cây bản địa còn những vị trí phù hợp người dân vẫn trồng keo tràm để phát triển kinh tế, song phương thức trồng phải phù hợp…”, ông Huy nói.
Bài, ảnh: Lê Thọ – Hoàng Thế
Kỳ 3: Tái sinh rừng tự nhiên