Chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt: Cách làm và sự đồng thuận
[ad_1]
Đối tượng hưởng trợ giúp xã hội được chi trả qua thẻ giúp chủ động quản lý, sử dụng tiền và có thể đến nhận ở các điểm cung ứng dịch vụ
Tận tình và quyết liệt
Gần 2 tháng kể từ khi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội thảo triển khai chi trả chính sách TGXH không dùng tiền mặt ở đơn vị thí điểm là TX. Hương Thủy và huyện Phú Lộc, 2 địa phương này đã bắt tay phối hợp thực hiện với khối lượng công việc vừa nhiều, vừa khó.
Song song tuyên truyền nội dung, tiện ích của việc chuyển đổi chi trả không dùng tiền mặt cho người dân trên các phương tiện truyền thông xã, Phòng LĐTBXH thị xã, huyện đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, cập nhật bổ sung CMND/CCCD, số điện thoại và tình hình biến động của đối tượng để cập nhật vào hệ thống. Qua đó, 2 địa phương đã cập nhật đầy đủ danh sách biến động đối tượng để trích xuất gửi cơ quan cung ứng dịch vụ chi trả cho đối tượng. Đơn vị cung ứng dịch vụ cũng tích cực phối hợp với UBND cấp xã và phòng LĐTBXH tổ chức ngày hội mở tài khoản cho đối tượng.
Thực tế, đối tượng hưởng chính sách TGXH chủ yếu là trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi… và số tiền hưởng chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, nên mới đầu, nhiều người băn khoăn, lo lắng cách sử dụng phương thức mới này. Tuy nhiên sau khi tuyên truyền, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, nhất là mở tài khoản cho hơn 60% người được ủy quyền, đã góp phần tăng tỷ lệ đối tượng TGXH được mở tài khoản và được chi trả qua thẻ.
Ông Nguyễn Văn Lợi, phường Thủy Châu, TX. Hương Thủy là một trong những đối tượng đang hưởng chế độ người cao tuổi do đi lại gặp nhiều khó khăn, thị lực kém, không sử dụng được smartphone (điện thoại thông minh) nên đã ủy quyền để người con trai đăng ký mở tài khoản ngân hàng VietinBank và được sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, đảm bảo đúng quy định.
Đến nay, việc mở tài khoản cho đối tượng, người được ủy quyền qua dịch vụ VietinBank tại TX. Hương Thủy đạt 80% trong số 5.620 đối tượng; số còn lại được Bưu điện thực hiện chi trả tại nhà. Huyện Phú Lộc có 98% đối tượng, người được ủy quyền trong tổng số hơn 8.000 đối tượng TGXH được mở tài khoản qua dịch vụ Viettel Pay.
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội- Sở LĐTBXH cho rằng, sở dĩ tỷ lệ đối tượng hưởng TGXH được mở tài khoản để thực hiện chi trả chính sách TGXH không dùng tiền mặt ở hai địa phương thí điểm đạt cao và hoàn thành sớm là nhờ sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của đối tượng, người dân về chuyển đổi phương thức chi trả bằng tiền mặt sang phương thức không dùng tiền mặt. Đơn cử huyện Phú Lộc “điều động” hơn 30 người là cán bộ chuyên trách các cấp phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ là Viettel về tận địa phương tuyên truyền, hướng dẫn và rốt ráo thực hiện việc thu thập thông tin, mở tài khoản cho đối tượng, người được ủy quyền.
Từ tháng 4/2021, Phú Lộc bắt đầu áp dụng chi trả TGXH không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách và từ tháng 5/2021, TX. Hương Thủy bắt đầu áp dụng mô hình này, xoá bỏ hình thức chi trả TGXH bằng tiền mặt.
Tiếp tục hoàn thiện các tiện ích
Trong thời gian chi trả tiền mặt cho đối tượng TGXH tại cộng đồng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ một số hạn chế, như: thời gian chi trả không thống nhất; một số trường hợp đối tượng, người nhận thay 2-3 tháng mới đến nhận tiền chế độ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, chi trả, thanh quyết toán. Hoặc tại một số điểm chi trả vẫn còn tình trạng nhân viên chi trả ký thay, ký khống đối với các trường hợp chậm, chưa nhận chế độ vào danh sách chi trả để đảm bảo chi trả, quyết toán 100% với đơn vị liên quan; một số địa phương thực hiện việc thanh quyết toán chi trả không đúng quy định như thanh quyết toán không đúng với thực tế chi trả hoặc để 2-3 tháng mới thanh toán một lần…
Hiện nay, thông qua việc mở tài khoản từ ngân hàng VietinBank hoặc ngân hàng số Viettel Pay, tiền chi trả được chuyển thẳng về tài khoản người thụ hưởng. Trường hợp ủy quyền phải thông qua các bước thực hiện theo yêu cầu của pháp luật tại cấp xã và các yêu cầu của việc mở tài khoản và giám sát chi trả tại ngân hàng, nên việc chi trả qua người được ủy quyền chặt chẽ hơn, an toàn, ít rủi ro hơn.
Về góc độ quản lý, thông qua hình thức chi trả không dùng tiền mặt này giúp cán bộ LĐTBXH cấp xã quản lý đối tượng TGXH chặt hơn, nhất là nắm được biến động tăng giảm, đối tượng được nâng mức hưởng (như dưới 80 tuổi và trên 80 tuổi), đối tượng tử, trẻ mồ côi…
Hệ sinh thái của các đơn vị cung ứng dịch vụ rất phát triển. Hiện nay, Viettel Pay có 4 phương án chi trả: rút tiền tại các cây ATM, tại các quầy giao dịch của Viettel, tại các đại lý ủy quyền của Viettel, các điểm đại lý nhỏ tại xã, phường với ít nhất mỗi xã ở Phú Lộc có từ 2 điểm trở lên.
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện chi trả TGXH không dùng tiền mặt sẽ hạn chế tình trạng tập trung đông người cùng lúc. Hơn nữa, tại các điểm rút tiền cũng được đảm bảo các điều kiện về không gian như chỗ ngồi, an toàn về giao thông, an ninh trật tự khi đối tượng đến rút tiền.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG