Chỉnh trang cồn Dã Viên thành công viên
[ad_1]
Hình hài không gian công cộng, công viên đang được hình thành ở bờ đông cồn Dã Viên
Việc chỉnh trang được bắt đầu triển khai ở khu vực bờ đông đoạn từ phía dưới chân cầu đường sắt Bạch Hổ và cầu đường bộ Dã Viên. Toàn bộ hệ thống cây xanh ở đoạn này được cắt tỉa gọn gàng, nhiều đoạn di dời bớt cây để thông thoáng và phục vụ cho việc mở đường nội bộ.
Những ngày này, đi trên cầu Dã Viên có thể thấy rõ hình hài những con đường dần lộ diện, uốn lượn quanh cù lao thơ mộng giữa lòng sông Hương, bên trên là những tán cây xanh mát, không khác gì một không gian rừng trong phố mà người Huế lâu nay vẫn tự hào.
Trung tâm Công viên cây xanh Huế – đơn vị triển khai dự án (DA) cho biết, không chỉ là không gian công cộng, sau khi chỉnh trang, cồn Dã Viên sẽ trở thành công viên với tên gọi công viên Huế – Sài Gòn – Hà Nội.
Việc chỉnh trang, cải tạo không gian này không gặp nhiều khó khăn, bởi đoạn này gần như là đất công cộng. Công việc chính của DA tập trung vào việc tạo con đường đi dạo lát đá, phân bổ lại cây xanh, tạo thảm hoa, điện trang trí, hệ thống cấp, thoát nước…
“Trong đó, quan trọng nhất là con đường dài hơn 1.100m với diện tích hơn 4.600m2, uốn lượn quanh mũi đảo phía đông của cồn. Ngoài ra, sẽ bổ sung thảm cỏ, cây xanh các loại tạo điểm nhấn, cũng như hệ thống đèn chiếu sáng, vòi nước tự động…”, ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh, nói.
Theo ông Chinh, quá trình thực hiện DA phải tôn trọng yếu tố tự nhiên là trên hết. Một khi hoàn thiện, sẽ trở thành không gian văn hóa đa năng, điểm dừng chân lý tưởng, tổ chức các hoạt động cộng đồng, vui chơi giải trí phục vụ người dân và du khách.
Rất nhiều người dân đi qua đi về trên cầu Dã Viên vui mừng khi chứng kiến công viên bên dưới đang thực hiện. Bởi, họ từng lo ngại khi nhiều năm về trước có thông tin sẽ biến nơi này thành một DA khách sạn, như vậy sẽ phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên.
Nhiều người còn thông tin, khi chưa có DA, khu vực này trở thành một điểm tụ tập của các thành phần phức tạp, gây mất an ninh trật tự. Vì thế, việc chỉnh trang, cải tạo bờ Đông cồn Dã Viên là quá hợp lý.
“Đây không chỉ là phong thuỷ mà còn là không gian tự nhiên, mảng xanh giữa lòng thành phố. Vì thế, việc làm công viên, trở thành điểm để người dân dừng chân, ngắm cảnh, thư giãn là rất hợp lý; vừa bảo vệ được không gian, vừa giữ được cảnh quan tự nhiên”, anh Nguyễn Vũ, người dân TP. Huế chia sẻ.
“Quan trọng hơn một khi đưa vào hoạt động, công viên bờ đông cồn Dã Viên sẽ kết nối cùng với hệ thống đường đi bộ dọc theo bờ sông Hương. Từ đó, tạo nên một chuỗi không gian thơ mộng, trở nên đẹp và giá trị hơn”, ông Chinh khẳng định và cho biết thêm giá trị DA này hơn 11 tỷ đồng.
Sau khi chỉnh trang, cải tạo xong khu vực bờ đông, ông Chinh cho biết, sẽ tính toán, lên phương án để chỉnh trang bờ tây, đoạn từ nhà máy nước sạch Dã Viên hướng lên phía thượng nguồn. Thời điểm này, Trung tâm Quỹ đất TP. Huế cũng đang lên phương án sơ bộ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân đang sống ở khu vực bờ tây của cồn này. Theo đó, phạm vi giải phóng mặt bằng là toàn bộ diện tích vào khoảng hơn 85.000m2, trong đó đất ở hơn 9.000m2 và đất nhà máy nước khoảng 10.000m2.
Bài, ảnh: NHẬT MINH – LÊ THỌ