Kinh tế Huế

Chống thất thu bù đắp một phần số hụt thu ngân sách

[ad_1]


Hỗ trợ người nộp thuế

Dự kiến thu NSNN cả năm sẽ đạt 8.500 tỷ đồng

Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp song trong 4 tháng đầu năm (chưa bùng phát dịch trở lại), các DN trên địa bàn đã tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Và từ đầu tháng 5 sau khi dịch bùng phát ở một số địa phương, Thừa Thiên Huế vẫn thực hiện song hành mục tiêu phát triển kinh tế vừa chống dịch mang lại kết quả thiết thực. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại bền vững được khẩn trương ban hành, góp phần củng cố niềm tin, tạo động lực cho quá trình phục hồi kinh tế.

Đó cũng là nguyên nhân tạo nên những tín hiệu tích cực trong hoạt động thu ngân sách trong những tháng đầu năm. Theo dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm, thu ngân sách cả năm đạt 6.065 tỷ đồng, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm con số này đã đạt gần 5.358 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 4.971 tỷ đồng, bằng 88,8% dự toán và tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không bao gồm thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và thu phí tham quan di tích thì con số này đạt 3.519 tỷ đồng, bằng 74,4% dự toán, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Hầu như tất cả các khoản thu đều đạt cao, trên 50% dự toán.

Trong đó, thu từ DNNN Trung ương quản lý đạt gần 91 tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ do một số DN có số thu tăng như Công ty CP Thủy điện miền Trung; Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung – Chi nhánh Tổng Công ty Điện lực miền Trung; Viettel Thừa Thiên Huế… Thu từ DNNN địa phương quản lý đạt 94 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán, giảm 8,6% so với cùng kỳ do phần lớn DN trọng điểm khu vực kinh tế này có số nộp giảm so với cùng kỳ.

Khu vực đầu tư nước ngoài cũng có nguồn thu lớn đạt 1.549 tỷ đồng, bằng 80,3% dự toán, tăng 41,6% so với cùng kỳ do nguồn thu năm trước của các DN chuyển sang khá lớn (khoảng hơn 300 tỷ đồng); nếu không tính nguồn này thì thu từ khu vực này chỉ tăng khoảng 14,2% so với cùng kỳ. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh cũng đạt 700 tỷ đồng, bằng 76,1% dự toán, tăng gần 41,8% so với cùng kỳ.

Một số khoản thu đạt rất cao như thuế thu nhập cá nhân vượt 11,3% dự toán, thu cấp quyền khai thác khoáng sản vượt 56,7% dự toán, lệ phí trước bạ đạt 84,1% dự toán; thu khác đạt 74,4% dự toán. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch song nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất vẫn tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng đều gia tăng. Vì thế, thu thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu trong 6 tháng đạt 271 tỷ đồng, bằng 59,6% dự toán và tăng 32,2% so với cùng kỳ.

Phấn đấu thu NSNN đạt 8.500 tỷ đồng

Trên cơ sở kết quả thu NSNN 6 tháng đầu năm, ngành tài chính dự kiến thu NSNN cả năm sẽ đạt khoảng 8.500 tỷ đồng, vượt 41,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Riêng thu nội địa đạt 8.100 tỷ đồng, vượt 44,7% dự toán.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động triển khai công tác quản lý thuế trên địa bàn. Kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với DN có rủi ro cao về thuế, không để DN lợi dụng chủ trương hỗ trợ DN của Nhà nước để vi phạm pháp luật. Đồng thời, không gây phiền hà, sách nhiễu cho người nộp thuế. Đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Đại diện Cục Thuế tỉnh khẳng định, sẽ thực hiện rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe DN, hoạt động SXKD của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách để chủ động trong điều hành thu NSNN trên địa bàn.

Rà soát các nguồn thu còn tiềm năng để khai thác tăng thu, chống thất thu bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch COVID-19 gây ra; tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch COVID-19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất… Tăng cường kiểm soát các dự án (DA) hết thời gian ưu đãi thuế, các DA mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra. Triển khai quyết liệt các giải pháp về quản lý và xử lý thu hồi nợ thuế theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Đề ra biện pháp để xử lý dứt điểm các trường hợp nợ thuế có tính chất chây ỳ kéo dài không thuộc trường hợp được khoanh, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.

Để đảm bảo kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các DA được triển khai thuận lợi trước mắt cũng như các năm sau, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan cần phối hợp tránh các vướng mắc về thủ tục pháp lý do chưa chuẩn bị thủ tục chu đáo, tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế lĩnh vực bất động sản…

Bài, ảnh: Hoàng Anh

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button