Kinh tế Huế

Chuẩn bị giống sắn “sạch” cho niên vụ mới

[ad_1]


Người dân Phong Điền thu hoạch cây sắn nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ tháng 9/2021, khả năng có 1-2 cơn bão, tháng 10 và 11 có 2 đến 3 cơn bão hoạt động trên Biển Đông gây mưa lớn, có khả năng xảy ra 3-5 các đợt lũ trên các sông suối, đỉnh lũ trên báo động 2 đến báo động 3. Mực nước trên các sông vùng đồng bằng cao hơn trung bình nhiều năm, sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch các loại cây trồng, trong đó có cây sắn.

Vùng sắn Phong Điền với kế hoạch sản xuất hàng năm khoảng 1.200 ha tập trung ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An. Hàng năm, cứ đến mùa “giáp lụt” bà con lại cấp tập thu hoạch sắn bán cho nhà máy tinh bột sắn Phong An, dẫn đến tình trạng ùn ứ sắn kéo dài trên Quốc lộ 1A và đường vào nhà máy. Vào thời điểm mưa lũ, người dân đối diện với tình trạng khó khăn do thu hoạch sắn đại trà, nhà máy không thu mua kịp dẫn đến sắn phơi mưa nắng, sụt giảm chất lượng tinh bột và giá cả.

Bà Trần Thị Bê, một hộ dân ở Phong Sơn cho biết: “Năm nay, ngoài diện tích bị bệnh khảm lá vẫn chưa tiêu hủy được thì niên vụ sắn đang trồng bà con cũng ngấp nghé lo sợ vì gần mùa lũ. Sắn đâu phải muốn thu hoạch là thu hoạch được ngay mà phải đủ “tuổi” tinh bột nhà máy mới mua với giá cao, với lại do diện tích lớn, khi bà con thu đại trà nên không thể nhanh, tránh lũ được”.

Theo Sở NN&PTNT năm 2021, diện tích trồng sắn toàn tỉnh khoảng 3.619 ha/4.198 ha đang trong giai đoạn phát triển củ. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá gần 1.100 ha, tập trung ở các địa phương Phong Điền (617 ha), Hương Trà (421 ha), A Lưới (52,5 ha).

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, đến nay việc tiêu hủy những diện tích sắn bị bệnh khảm lá diễn ra khá chậm, mới chỉ được khoảng 13 ha. Diện tích sắn nhiễm bệnh chưa được tiêu hủy có nguy cơ là nguồn bệnh lây lan trong niên vụ 2022.

Từ cuối tháng 7/2021, Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy) có thông báo gửi các địa phương thông tin cho các hộ dân về kế hoạch thu hoạch sắn chạy lũ.

Theo đó, phương án thu hoạch ưu tiên cho vùng lũ đến trước sẽ thu hoạch trước, vùng lũ đến sau sẽ thu hoạch sau. Căn cứ tình hình thực tế các địa phương ước lượng diện tích, sản lượng sắn có khả năng thu hoạch chạy lũ.

Giá sắn thu mua áp dụng cho bà con nông hộ nhận cây giống và có ký hợp đồng với nhà máy là 1.600 đồng/kg sắn tươi (áp dụng các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang), 1.700 đồng/kg sắn tươi (Nam Đông) và 1.750 đồng sắn tươi (A Lưới). Trong trường hợp giá thị trường tăng thì nhà máy thu mua tăng theo, thị trường giảm giá thì nhà máy vẫn thu mua như giá cũ.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh thông tin, để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, quản lý và chuẩn bị nguồn giống sắn tốt trồng niên vụ sắp tới, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ nông dân thu hoạch diện tích sẵn đã đến kỳ thu hoạch, rà soát những diện tích sắn vùng thấp trũng dễ bị ngập úng khi có mưa bão xảy ra.

Đối với diện tích sắn vùng thấp trũng tiến hành thu hoạch trước, vùng cao ráo thu hoạch sau nhằm hạn chế thiệt hại. Đăng ký thời gian, diện tích thu hoạch, sản lượng cung ứng với Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế, đáp ứng nhu cầu thu mua và công suất của nhà máy.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương trong quá trình thu hoạch cần tiến hành tiêu hủy các cây sắn có triệu chứng nhiễm bệnh khảm lá. Tuyệt đối không sử dụng bán hoặc cho người khác làm hom giống cho niên vụ 2022.

Các địa phương chỉ đạo các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân rà soát, thống kê diện tích sắn chưa có triệu chứng nhiễm bệnh khảm lá để khoanh vùng, có biện pháp lưu gốc giữ giống, đặc biệt các vùng cao.

Cần chỉ định đơn vị làm đầu mối dịch vụ để cung ứng giống sạch bệnh cho nông dân trồng trong niên vụ 2022. Đồng thời, phối hợp với Chi cục TT&BVTV tỉnh lấy mẫu test virus gây bệnh khảm lá nhằm chủ động nguồn giống sạch bệnh ngay từ đầu vụ.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, đưa giống từ các vùng đang nhiễm bệnh sang trồng trên địa bàn khác.

Đối với niên vụ sắn 2022, Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân trồng sắn sạch bệnh, rõ nguồn gốc, tuyệt đối không sử dụng hom sắn của cây sắn nhiễm bệnh khảm lá để làm giống và sắn để lại làm giống phải đảm bảo sạch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt.

Bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), bệnh lây truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisiatabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm và khó phòng trừ. Cơ quan chức năng yêu cầu trong niên vụ mới cần theo dõi chặt chẽ bọ phấn (môi giới truyền bệnh) gây hại trên đồng ruộng để có biện pháp quản lý và phòng trừ, hạn chế bệnh khảm sắn lây lan.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button