Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường
[ad_1]
Nhờ huy động các nguồn lực, những phát sinh về môi trường đã được giải quyết kịp thời
Đầu tư BVMT phải được thực hiện xã hội hoá, đa dạng hoá về hình thức và nguồn vốn nhằm huy động được mọi nguồn lực trong xã hội, mà trước hết là người gây ô nhiễm phải đầu tư, toàn xã hội tham gia đầu tư dưới mọi hình thức theo trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Công tác BVMT mang tính xã hội cao, muốn BVMT được tốt đòi hỏi mọi thành phần trong xã hội, các cấp, các ngành đều phải tham gia đầu tư chi phí cho hoạt động BVMT hay còn gọi là xã hội hoá đầu tư BVMT.
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế vận dụng hiệu quả giải pháp này trong việc ban hành các chính sách và cơ chế huy động thích hợp mọi nguồn lực trong cộng đồng. Vận dụng rõ nét nhất là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Từ hoạt động thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải đều được các địa phương huy động nguồn lực xã hội hoá. Có thể bằng tài chính hoặc bằng đóng góp công lao động thông qua các phong trào, mô hình về BVMT như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn”, “Những tuyến đường sáng – xanh – sạch, không rác thải”…
Tất nhiên, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư thực hiện nhiệm vụ BVMT dưới các hình thức dự án, chương trình BVMT, vì đây là hoạt động có tính liên ngành, liên vùng và mang tính cộng đồng, xã hội cao. Mức đầu tư BVMT cũng được tăng dần hàng năm theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế; đồng thời tranh thủ kinh phí đầu tư từ các dự án quốc tế về BVMT. Ngay cả DN cũng phải có vốn đầu tư BVMT trong giá thành chi phí sản xuất, đảm bảo mức chi từ 1-2% tổng chi phí của DN.
Hiện ở Việt Nam, chi phí đầu tư cho hoạt động BVMT được ước tính theo 3 phương án. Phương án thứ nhất với chi phí đầu tư BVMT ở mức thấp, bằng 1% GDP. Phương án thứ hai là chi phí BVMT tính theo đầu người, như giai đoạn 2011-2015 là 25 USD/người/năm, giai đoạn 2016-2020 là 35 USD/người/năm. Phương án thứ ba, chi phí đầu tư cho BVMT bằng khoảng 3% GDP. Đây là phương án có mức đầu tư tương đối cao, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các cấp, các ngành để huy động nhiều vốn trong và ngoài nước để đầu tư cho BVMT. Với mức đầu tư theo phương án này sẽ có những tác động tích cực đến người gây ô nhiễm để họ thấy rõ trách nhiệm BVMT cao hơn nếu không muốn phải trả tiền do gây ô nhiễm lớn.
Tại Thừa Thiên Huế, đầu tư cho công tác BVMT từ các nguồn kinh phí khác nhau còn hạn chế, gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng như trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng BVMT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm và có những giải pháp về tài chính như trích không dưới 1% tổng chi ngân sách địa phương và tăng dần hằng năm để thực hiện các đề án, dự án về môi trường. Trung bình trong những năm gần đây, tổng kinh phí chi cho nhiệm vụ BVMT mỗi năm trên 150 tỷ đồng. Kinh phí được phân bổ tăng lên hàng năm, nên một số vấn đề lớn, cấp bách về môi trường của địa phương như: ý thức BVMT của các cấp, ngành và cộng đồng; rác thải sinh hoạt; ô nhiễm trong khu dân cư, khu công nghiệp; hoạt động quan trắc môi trường; diệt trừ sinh vật ngoại lai… đã từng bước được giải quyết.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN