Đầm Ô Loan: Giảm sút đến 80% lượng thủy sản do ô nhiễm
Kinh tế Huế – Đứng thứ hai về đa dạng sinh học đầm vịnh miền Trung sau phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), nhưng giờ đây đầm Ô Loan ( Phú Yên) lại rơi vào cạn kiệt thủy sản đến mức không còn cho người dân ven đầm nguồn sống.
Theo ước tính của cư dân ven đầm Ô Loan, lượng thủy sản trên đầm đã giảm sút đến 70%-80% kể từ đầu mùa nắng nóng đến nay. Ngược lại, các loại rong tảo lại gia tăng, thậm chí xuất hiện tràn lan ở hầu khắp mặt đầm.
Nguyên nhân là do đầm Ô Loan đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải từ các hồ nuôi tôm và rác thải từ các khu dân cư ven đầm. Cùng với đó, hai năm nay, cửa biển thông với đầm Ô Loan bị bồi lấp kéo theo mức độ trao đổi nước giữa biển và đầm bị hạn chế.
Lâu nay, có rất nhiều sinh kế của người dân cùng tồn tại trên đầm Ô Loan. Với người này Ô Loan có thể là nơi để nuôi tôm, với người khác Ô Loan lại là nơi để khai thác thủy sản. Nói cách khác, không gian sống của đầm Ô Loan phải chia sẻ nhiều nguồn lợi. Nhưng trách nhiệm quản lý môi trường đầm Ô Loan lại chưa có sự chia sẻ. Nhiều người xem đó là môi trường chung, mà đã là môi trường chung dường như mọi người lại đứng ngoài các giải pháp bảo vệ môi trường.
Vướng mắc này đã được các ngành chức năng xem xét từ nhiều năm nay, song cho đến lúc này vẫn chưa có cách quản lý tổng hợp đối với đầm Ô Loan. Cũng vì thế, những thuyền nghề khai thác thủy sản tại các ngôi làng ven đầm Ô Loan đều đang phải nằm bờ. Và nhiều người trong làng đã phải bỏ làng đi làm việc khác vì năm nay thực sự là năm đầm đói to.
Đầm Ô Loan từng được đánh giá đứng thứ hai về đa dạng sinh học trong số các đầm vịnh ở miền Trung sau phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Hiện tại, với những gì đang xảy ra ở đầm Ô Loan, sự suy giảm đa dạng sinh học đã là điều trước mắt.
Nguồn: vtv.vn