Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để “sinh tồn”
[ad_1]
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Theo ông Dương Tuấn Anh, dịch bệnh khiến khối sản xuất công nghiệp gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Thị trường bán lẻ hàng hóa và các hoạt động dịch vụ được mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa đạt mức bình thường như trước dịch, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí. Hoạt động vận tải, kinh doanh lưu trú và lữ hành trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và gần như ngưng trệ.
Ngoài khó khăn về sản xuất kinh doanh (SXKD), các DN còn phát sinh thêm các chi phí phòng ngừa dịch COVID-19 dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, số DN đăng ký tạm ngưng lên tới 316 DN và 75 DN thông báo giải thể.
Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong hỗ trợ DN?
Các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, là “liều thuốc trợ lực” kịp thời giúp cộng đồng DN và người dân bước đầu trụ vững trước những khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, chính sách gia hạn nộp thuế đã hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn doanh thu bị ảnh hưởng…, giúp DN duy trì hoạt động SXKD, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Doanh nghiệp tiếp cận với chương trình cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc
Cùng với chính sách gia hạn thuế, các ngân hàng cũng triển khai đồng thời hai chính sách hỗ trợ là cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN.
Và mới đây, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất cũng được triển khai kịp thời. Một số DN đã tiếp cận được với chính sách này giúp người lao động, người sử dụng lao động giảm bớt một phần khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Chính sách hỗ trợ có thể nói là rất nhiều, vậy cộng đồng DN đánh giá thế nào về những chính sách trên thưa ông?
Các chính sách này đã và đang có tác động tích cực đối với cộng đồng DN, song từ góc nhìn DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, các chính sách trên vẫn khó tiếp cận. Các DN vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ khác về tháo gỡ cơ chế, đơn giản thủ tục, đặc biệt là các chính sách bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Bởi số DN thật sự tiếp cận được lãi suất giảm còn ít so với kỳ vọng, đặc biệt là các DN nhỏ không có tài sản đảm bảo.
Điều DN mong muốn nhất lúc này về chính sách này là gì?
Cộng đồng DN mong muốn các ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa trong việc đồng hành hỗ trợ khách hàng. Việc hỗ trợ về thuế không chỉ nên dừng gia hạn thời gian nộp thuế mà cần có những chính sách thiết thực hơn, nhất là giảm thuế, không phạt nộp chậm các khoản thuế…
Theo ông, cần có những điều chỉnh nào về chính sách tài chính để hỗ trợ tốt hơn cho DN?
Thực tế, cộng đồng DN vẫn thừa nhận sự cố gắng của Chính phủ, bộ ngành liên quan trong việc đồng hành cùng DN vượt khó. Tuy nhiên, cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các DN phát triển SXKD trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh.
Ví như, về hoạt động tín dụng cần nhất là nới lỏng chuẩn tín dụng, điều chỉnh giảm lãi vay cho các dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới theo mức giảm từ 2 đến 2,5%, gia hạn nợ cho các DN đang gặp khó khăn. Riêng, chương trình cho người sử dụng lao động vay trả lương theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, cần nới lỏng một số điều khoản như sửa bỏ điều kiện “không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đến thời điểm đề nghị vay vốn”.
Các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, để kịp thời hỗ trợ cho các DN, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống.
Ông có thể cho biết chính sách nào đang được DN đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp họ vượt khó thời gian tới?
Ngoài các chính sách đã và đang được triển khai, việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về chính sách thuế. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động SXKD của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành, nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020. Cộng đồng DN cũng kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ có nhiều hơn nữa các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay vốn không cần có tài sản đảm bảo. Các tổ chức tín dụng cũng triển khai mạnh mẽ hơn các chương trình tín dụng đồng hành cùng DN.
Hiệp hội đã làm gì để đưa các chính sách đến gần hơn với cộng đồng DN, thưa ông?
Hiệp hội DN tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các sở, ngành liên quan nắm bắt các khó khăn của từng DN; từ đó đưa những kiến nghị, đề xuất của các DN liên quan đến từng cơ quan đơn vị cụ thể, từng tổ chức tín dụng để hỗ trợ giải quyết các khó khăn về thủ tục, tiếp cận vốn… để phục hồi sản xuất.
Ngoài hỗ trợ tuyên truyền chính sách, Hiệp hội cũng mong muốn DN cần mạnh dạn hơn trong tiếp cận các chính sách của tỉnh, Chính phủ; đổi mới cách thức hoạt động thích ứng nhằm phát triển DN vững mạnh và bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Thảo Nguyên (Thực hiện)