Đất - Người Huế

Dòng sông ảo ảnh

Đất – Người Huế – Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số, qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, nhận nhiều nguồn nước từ những con thác, rồi sau đó mới hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng.

Sông Hương trước Ngọ Môn.

Dòng sông đi qua nhiều làng mạc, đô thị cổ xưa, tạo nên một nền văn minh Thuận Hóa. Do thế người dân xem sông Hương như “Mẫu thần”, bằng huyền thoại xuất xứ chùa Thiên Mụ, núi Ngọc Trản, điện Hòn Chén. Dọc theo đôi bờ sông Hương có rất nhiều chùa chiền, đền đài, miếu vũ, vì vậy dòng sông mang trong mình những điều huyền hoặc, bí ẩn thiêng liêng.
Người Huế có nhiều cách giải thích vì sao dòng sông tên là sông Hương, như trên thượng nguồn loài cỏ Thạch Xương Bồ có hương thơm hòa vào nước sông, thậm chí còn có huyền thoại người dân hai bên bờ sông nấu nước hàng trăm loài hoa đổ xuống dòng sông, cho làn nước ấy thơm tho. Điều này chẳng khác gì việc người Ấn đến dâng hoa và dầu thơm vào dòng sông Hằng.
Sông Hương “mang” theo tiếng chuông Thiên Mụ chảy qua bao xóm làng và đô thị, đem niềm tin hướng thiện, sự bình yên đến cho mọi người. Công việc đồng áng, bán buôn, sinh hoạt đời thường hàng ngày bắt đầu từ tiếng chuông. Một truyền thuyết kể rằng có một quả chuông rơi xuống sông Hương, trước mặt chùa Thiên Mụ, quả thật chưa ai nhìn thấy quả chuông, hoặc chưa thấy một khảo cứu nào, nhưng đây có thể là một dụng ý của người xưa: dòng sông đem lại sự bình an cho người dân, do dòng sông vang vọng tiếng chuông hàng ngày. Ở Huế có một nhà nghiên cứu cổ vật sưu tầm nhiều đồ cổ, được dân chài vớt từ dòng sông. Đấy là một trong những nguồn khảo chứng về văn hóa Thuận Hóa, trong bộ sưu tập có tượng Phật, chuông mõ, bình gốm, lu sành to nhỏ, chuỗi hạt…
Sông Hương như dải lụa xanh chảy qua miệt vườn Vỹ Dạ, ngược lên Thiên Mụ, rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không. Không những cảnh đẹp, lại còn những thú vui thanh tao như: thả thuyền, ngắm trăng, nghe ca Huế…tinh hoa của những trò chơi phong lưu ấy nay vẫn còn, đã thành văn hoá du lịch chỉ có ở Huế. Thả thuyền là để thoả mãn cái thú tiêu dao trên sông nước cùng với gió trăng, thả thơ là canh bạc văn chương dành cho văn nhân thi sĩ vừa vận dụng kiến thức vừa được chơi vơi nghe đàn ca réo rắt, du dương…Thú nghe ca Huế vừa tao nhã, vừa quyến rũ du khách lên những con thuyền rồng, hóng mát, ngắm phong cảnh Huế về đêm, gợi lên nhiều nỗi tương tư…
Lững lờ trên sông, con thuyền kiểu Huế giờ không còn nữa.
Xa xưa, khi những chiếc thuyền chèo lững lờ trôi trên dòng sông, những cô gái chèo đò thường cất lên tiếng hò mái nhì, mái đẩy da diết của Huế, âm điệu thấm đượm làn điệu lý Huế, ca Huế, âm nhạc cung đình Huế. Điệu hò mang giai điệu mượt mà, trầm bổng, khoan thai, bao giờ cũng ngân nga vang vọng, rồi chùng xuống, man mác nỗi buồn theo sông nước: “Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió/ Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình/ Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh/ Sông bao nhiêu nước, dạ em si tình bấy nhiêu…”.
Dòng sông ảo ảnh từ lâu là không gian của thi ca, nhạc họa và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Hầu hết những nhà thơ lớn (không thể kể hết) đều có những bài thơ hay viết về sông Hương. Nguyễn Du thời ở Huế, trong một đêm thu, đã thấy mảnh trăng sông Hương gợi lên mối sầu muôn thưở: “Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu” (Thu chí). Cao Bá Quát thì có cái nhìn khác hẵn về sông Hương: “Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/ Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Hiểu quá Hương giang).
Giờ Huế đang chuyển mình thành một thành phố Festival, khách đến đây tìm hiểu văn hóa – con người vùng đất này qua những địa chỉ du lịch hấp dẫn như Đại nội, chùa Thiên Mụ, chùa Huyền Không, các lăng tẩm,… Dáng xưa trầm mặc không phai những nét đài các của miền cố đô văn vật.
Chỉ ngỡ ngàng, nhiều năm trước, có ý kiến cho rằng: sông Hương có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” đối với ngành du lịch, mà nay, chưa thấy có “quả trứng” nào ngoài mấy chiếc thuyền rồng – ca Huế.

Nguồn: Thể thao Tp HCM

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button