“Duyên nợ” với ruộng đồng
[ad_1]
Chị Ngọc cho biết, hiện 3 trong 4 chiếc máy gặt đập liên hợp đang “đi ra” tỉnh Ninh Bình
Khi lúa vụ hè thu của Phú Vang đã phủ xanh đồng ruộng, thì 3 trong 4 chiếc máy gặt đập liên hợp của vợ chồng anh Thuật, chị Ngọc đang tiếp tục thu hoạch trên những cánh đồng lúa tỉnh Ninh Bình. Chị Ngọc chia sẻ, thực ra không chỉ vợ chồng chị mà còn có 3 người khác trong thôn cùng góp vốn, đứng tên “sổ đỏ” 4 máy gặt đập liên hợp (4 chiếc máy do vợ chồng anh Thuật, chị Ngọc trực tiếp quản lý, điều hành). Bởi họ có chung “duyên nợ” với ruộng đồng, với lúa.
Sau khi cưới nhau, ban đầu vợ chồng anh Thuật mưu sinh bằng cách chồng mở bán cà phê tại nhà, vợ buôn bán cá. Nhưng sống ở “vựa” lúa lớn của Phú Vang, vợ chồng anh Thuật như có “duyên nợ” với hoạt động phát triển sản xuất, luôn suy nghĩ đến việc kinh doanh vật tư và máy móc phục vụ sản xuất. Đây là cơ hội phát triển kinh tế gia đình, cũng là đóng góp trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Vậy là cửa hàng bán vật tư nông nghiệp bao gồm các loại phân, thuốc, bình bơm, máy phun thuốc… của vợ chồng anh Thuật, chị Ngọc trở thành “địa chỉ” quen thuộc của bà con nông dân xã Phú Lương.
“Chưa có tiền vẫn được cung cấp vật tư, đến kỳ thu hoạch, bà con trả tiền là được. Chúng tôi hỗ trợ nhau để cùng tạo sự thuận lợi trong sản xuất”, chị Ngọc nói.
Vợ chồng anh Thuật đứng ra và được 3 người khác trên địa bàn cùng góp vốn, sắm một chiếc máy gặt đập liên hợp, phục vụ việc thu hoạch. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, vợ chồng anh Thuật và những người chung vốn tiếp tục lần lượt sắm thêm 3 chiếc máy gặt đập liên hợp. Trong đó, 2 chiếc máy mới, mỗi máy trị giá 500 triệu đồng; 2 chiếc máy đã qua sử dụng, trị giá mỗi máy 300 triệu đồng. 4 chiếc máy không chỉ phục vụ cho việc thu hoạch lúa của nông dân xã Phú Lương (Phú Vang) mà còn “đi ra” một số địa phương trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn như Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Ninh Bình.
Nhận thấy Phú Lương là vùng phát triển sản xuất nấm rơm, rất cần nguồn rơm rạ. Trong lúc nếu lấy rơm rạ bằng thủ công sẽ chậm, không kịp thời gian làm đất, dẫn đến việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng (đốt đồng) gây ô nhiễm môi trường, làm đất ruộng chai cứng, mất dinh dưỡng và lãng phí tài nguyên. Từ thực tế đó, vợ chồng anh Thuật quyết định sắm 2 máy cuốn rơm, để thuận tiện, kịp thời trong việc thu hoạch rơm rạ, cung cấp cho những hộ sản xuất nấm rơm trên địa bàn hoặc dự trữ nguồn thức ăn cho bò, phủ gốc cây che nắng cho nhiều loài cây ăn trái, giữ ẩm đất.
Chị Ngọc cho biết, lãi ròng từ 4 máy gặt đập liên hợp và 2 máy cuốn rơm khoảng 100 triệu đồng mỗi vụ mùa. Từ nỗ lực đó, bây giờ vợ chồng anh Thuật, chị Ngọc có nhà cửa, cơ ngơi bề thế…
Theo ông Hồ Viết Thuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lương, kinh doanh, cung cấp vật tư nông nghiệp và dịch vụ máy móc một cách khá quy mô, vợ chồng anh Thuật, chị Ngọc không những phát triển tốt kinh tế gia đình, mà còn hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nông dân, đóng góp không nhỏ trong hoạt động phát triển sản xuất trên địa bàn.
Bài, ảnh: Thanh Thảo