Đất - Người Huế

Gặp người cung nữ còn lại của triều nhà Nguyễn

Đất – Người Huế – Tình cờ tôi gặp được bà Trần Thị Vui – một trong những cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, hiện sống ở đường Chi Lăng, thành phố Huế. Mặc dù chỉ vào cung hầu hạ Thái hậu Từ Cung dưới triều Bảo Đại trong vòng 3 năm, nhưng những dòng hồi ức “chấm phá” của bà đã giúp cho bạn đọc có thêm được những góc nhìn rất thú vị về cuộc sống một thời trong cung cấm…
Chỉ được… bóp chân

Bà Trần Thị Vui – một trong những cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn hiện đang còn sống.

Năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng bà Vui vẫn còn lưu giữ được sự quý phái cũng như nét thanh sắc của một thời con gái. Đặc biệt, bà còn rất khỏe. Những ngày mùa nóng, trời Huế như cái chảo rang, nhưng bà Vui vẫn “đội nắng” đi bộ hơn… 5km, từ đường Chi Lăng lên nhà người quen ở mạn Nam Giao, hoặc về tận huyện Phú Vang. Chuyện với bà, quanh đi quẩn lại cũng là chuyện làm cung nữ.
Bà kể, chuyện bà được vào cung làm cung nữ, giờ nghĩ lại là một sự tình cờ, chứ không phải được “tuyển” như nhiều người khác. Theo một người cháu xa của bà – nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Hồ Tấn Phan thì bà Vui là con gái của bà Tôn Nữ Thị Biên – cháu hệ 5, phòng Hoàng tử Diễn Quốc Công, chuyên phụng trực ở điện Phụng Tiên (lo việc hương khói, thờ cúng ông bà của dòng họ nhà Nguyễn) trong Đại Nội thời Khải Định.
Trong thời gian đó, bà Biên có đi lại với một người cháu trai của bà Quan phi (vợ Vua Đồng Khánh) họ Trần, người làng Liễu Cốc (nay thuộc xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế và mang thai, và sau đó sinh ra bà Vui. Tuy nhiên, gia đình người này đã không chịu cưới bà Biên với lý do: Gia đình họ ở nông thôn, bây giờ lại đi cưới một cô ưỡn ẹo ở “trong Nội” về thì biết làm cái chi mà ăn(?). Thế là bà Biên đành phải cắn răng một mình nuôi con và tiếp tục công việc nhang khói ở điện Phụng Tiên cho đến cuối đời.
Đến năm 15 tuổi, vì muốn mẹ con được ở gần nhau, bà Biên đã xin được đưa bà Vui vào cung Diên Thọ để làm cung nữ hầu hạ bên cạnh bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu. Tưởng làm cung nữ là hoành tráng như trong… phim Trung Quốc, suốt ngày đi lại, bóp vai, vui đùa, trò chuyện thân mật với “chủ nhân”, tuy nhiên, bà Vui đã làm tôi bất ngờ khi nói: “Suốt 3 năm ở trong cung Diên Thọ, tui chỉ làm mỗi việc là… bóp chân cho bà Từ Cung và quạt hầu bà ngủ. Hằng tháng, tui được 3 đồng lương nhưng mạ tui nhận. Ăn uống thì đến bữa qua điện Phụng Tiện ăn với mạ tui, xong rồi về”.
Hỏi sao lại chỉ bóp mỗi chân, còn các bộ phận khác trên cơ thể thì sao? Bà cười như nắc nẻ: “Chú đúng là không biết chi chuyện trong cung hết, phải là người thân tín với bà Từ Cung, bà mới cho hầu bóp vai, bóp cổ, còn cỡ tui chỉ bóp chân thôi. Ngay cả những việc vặt như rót trà, têm trầu… cũng là việc của người khác, tui không được can dự”.
“Đưa con vô Nội” là câu truyền tụng của dân gian Huế nhằm chỉ việc nhà nào có con gái được tuyển vào cung làm cung nữ thì được ăn sung mặc sướng, tuy nhiên đổi lại sẽ gần như suốt đời ở trong cung cấm, và sẽ không bao giờ gặp lại gia đình, người thân. Tuy nhiên, trường hợp bà Trần Thị Vui lại là một ngoại lệ, y như chuyện bà nhập cung vậy.
Bà kể: “Ở trong cung Diên Thọ được 3 năm, đến năm 18 tuổi thì mạ tui xin cho tui được về nhà để… lấy chồng(!)”. Về điều này, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan lý giải: Chuyện “đưa con vô Nội” chỉ đúng trong các triều đầu như Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức…, còn các triều sau, đặc biệt là các triều Khải Định, Bảo Đại do hoàn cảnh lịch sử rối ren, nên chuyện cung nữ vào hay ra cung không còn được thực hiện nghiêm ngặt như trước. Thậm chí, theo như lời bà Vui thì bà đã rất nhiều lần chứng kiến các quan lớn hằng ngày ra vào cung Diên Thọ (chuyện trước đây rất hiếm có) để hầu bài bà Từ Cung(!).
Vua Bảo Đại rất thích… ăn vặt
Vì chỉ ở trong cung một thời gian ngắn, và chuyện xảy ra cũng đã hơn 60 năm, nên bây giờ những chuyện cũ, bà Vui chỉ nhớ theo kiểu “chấm phá”, điều được, điều mất. Tuy vậy qua hồi ức của bà, bạn đọc sẽ được biết thêm nhiều chi tiết thú vị mà sử sách không thể nào có được.
Một góc cung Diên Thọ ngày nay. Ảnh: Khánh Tường
Ví như chuyện vua Bảo Đại rất thích… ăn vặt. Thường khoảng 9 – 10 giờ sáng và 2 – 3 giờ chiều là vua kêu đói bụng. Bởi vậy trong bếp Thượng Thiện (ở phía trái Duyệt Thị Đường bây giờ) luôn có sẵn các loại bánh Huế, đặc biệt là bánh bèo để đáp ứng nhu cầu này của Bảo Đại.
“Vua Bảo Đại vui lắm” – bà nói – “Rất nhiều lần tui chứng kiến cảnh vua đi từ điện Kiến Trung (nơi ở) dọc theo các nhà cầu (hành lang, trường lang) qua cung Diên Thọ thăm mẹ. Vì vua thường đi nhanh nên mỗi lần tới cung Diên Thọ là phải đứng ngoài cửa để chờ bà Nam Phương hoàng hậu đi sau. Gặp nhau, hai người ôm nhau xoay một vòng như trong phim bây chừ, sau đó… hun nhau mấy cái đã rồi mới vào thăm bà Từ Cung”.
Hay chuyện bà đã tận mắt nhìn thấy bà Thái Hoàng Thái Hậu (mẹ Vua Khải Định, mẹ chồng của bà Từ Cung) ở cung Trường Sanh nhờ có mối quan hệ, nên thường qua lại với một cung nữ bên đó. Và: “Trong những lúc bóp chân, tui thường nghe bà Từ Cung than vãn với người hầu cận chuyện bà Thái Hoàng Thái Hậu hay gây khó dễ với mình”. Bà cười: “Chuyện mẹ chồng, nàng dâu trong cung cũng không khác chi ngoài dân gian mấy mô”.
Chuyện mà bà Vui nhớ và thích kể nhất là chuyện ma. “Trong cung thời đó đã có điện thắp sáng trưng nhưng vẫn có nhiều ma lắm” – bà kể – “Một đêm, nhằm phiên trực hầu quạt cho bà Từ Cung ngủ, tới nửa đêm, tui đi kêu người thay ca. Đang đi trên nhà cầu thì thấy một người cầm đèn dầu đi ngược lại, nhìn dáng như chị Hiếu (một cung nữ khác). Nhưng đi một đoạn thì tui sợ toát mồ hôi vì không thấy chị Hiếu mô cả. Rồi có bữa tui không thấy người mô cả, mà chỉ nhìn thấy một cánh tay cầm điếu thuốc, đưa lên ở ngọn đèn điện để… thắp. Sợ quá tui nhắm mắt lại, mở ra lại không thấy chi nữa…”.
Theo bà Vui thì bà và các cung nữ khác, cứ đêm đến khi đã rảnh việc là tụ tập với nhau và chỉ kể mỗi… chuyện ma rồi đi ngủ(!).
Với bà Vui, đời cung nữ ngắn ngủi nhưng sung sướng, vô lo, trong khi đời thường dân lại là những chuỗi ngày dài lê thê chuyện buồn. Sau khi rời cung năm 18 tuổi, bà Vui lấy chồng nhưng lại không sinh được mụn con nào. Chồng bà lấy vợ hai, sinh được mấy người con rồi mất sớm. Hiện tại, bà Vui sống chung nhà với mấy người con chồng, và hàng tháng nhờ vào tiền trợ cấp của một người cháu xa. May mà trời “bù” cho bà được sự mạnh khỏe nên chưa làm khổ người, khổ mình.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan thường đùa: “Dì Vui không có tài sản gì quý giá ngoài hồi ức của 3 năm làm cung nữ”. Câu đùa trên có lẽ đúng phần nào khi nhìn bà kể chuyện trong cung với đôi mắt luôn ánh lên những niềm kiêu hãnh.

Nguồn: laodong.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button