Giải quyết mối lo về rác vùng đầm phá
[ad_1]
Nhiều điểm đen về rác thải ở vùng ven đầm phá đã được dọn sạch nhờ các đợt ra quân của các lực lượng
Thay đổi từ cộng đồng sở tại
Nhà hàng Tam Giang của anh Trần Luýt, ở thôn Thủy Định, thị trấn Phú Đa (Phú Vang) nằm ngay mặt phá là nơi lý tưởng được nhiều người lui tới không chỉ nhờ thức ăn ngon, vị trí thoáng mát, mà quan trọng là vì không gian xung quanh sạch đẹp, không vương mùi tanh, rác.
Anh Nguyễn Thành, ở Phú Đa (Phú Vang) cho biết, mấy năm nay, quanh khu định cư Thủy Định không còn rác như ngày trước. Rác có bao nhiêu là được đội xe đi thu gom vận chuyển. Bà con cũng không còn thói quen vứt rác xuống phá như xưa, nhờ thế, quanh bờ đầm, ao nuôi sạch sẽ hơn.
Phú Vang là địa phương có đến 13/19 xã, thị trấn thuộc vùng ven biển, đầm phá và có nhiều địa danh như đầm Sam, Chuồn, Thanh Lam, Thủy Tú… nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với diện tích trên 6.800ha mặt nước. Chiếm gần 31% diện tích mặt nước của hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, nên vấn đề rác thải và xử lý rác thải đối với huyện Phú Vang cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Còn nhớ cách đây khoảng vài năm, phía sau chợ Phú Tân (thị trấn Thuận An) tiếp giáp với mặt đầm phá ngập ngụa rác. Rác từ chợ, từ các hộ dân sống dọc đầm hằng ngày đều tống khứ ra đầm. Do không được thu gom, thế nên nơi đây trở thành bãi rác to tướng ngập tràn quanh đầm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thời gian sau, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền địa phương đã ra quân quyết liệt dẹp bỏ được điểm đen ô nhiễm này.
Cũng mới đây, bãi rác dưới chân cầu Thuận An và cách chợ Thuận An không xa nhờ sau nhiều lần ra quân tích cực của lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ và cộng đồng dân cư thông qua phong trào Ngày Chủ nhật xanh, rác ở khu vực này cơ bản được dọn sạch.
Cùng với thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và phong trào Ngày Chủ nhật xanh, hàng ngàn tấn rác lưu cữu dọc vùng đầm phá, trong khu dân cư ven phá đã được thu gom đưa đi xử lý, nhiều điểm đen ô nhiễm trên địa bàn đã được xoá bỏ.
Hiện nay, nhiều điểm kinh doanh dịch vụ ẩm thực, du lịch sinh thái phát triển ở nhiều nơi như Cồn Tè, Rú Chá (Hương Phong, TX. Hương Trà), Diên Trường (Thuận An, Phú Vang), Cồn Tộc (Quảng Điền), Đầm Chuồn (Phú An, Phú Vang)…, nên để thu hút du khách, thực khách và kinh doanh hiệu quả, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên, nhờ đó hạn chế được vấn nạn xả rác bừa bãi xuống ao hồ, sông, đầm.
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh và hoạt động thu gom xử lý rác của đơn vị dịch vụ môi trường đã góp phần trả lại bộ mặt thoáng đẹp cho đầm phá
Lồng ghép nhiều mô hình, giải pháp
Quá trình phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại, khu dân cư ở các địa phương ven phá đã phần nào tác động lên môi trường do lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất nông nghiệp với khoảng 20.000 ha và trên 5.000 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản đã thải trực tiếp vào môi trường một lượng lớn chất thải như bao bì, chai lọ, phân bón, thức ăn thừa… Mặt khác, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai ở cuối nguồn các con sông, thông với biển qua các cửa Thuận An, Tư Hiền… nên đây cũng là nơi chứa đựng rác từ các nguồn trôi về, nhất là mùa mưa lũ.
Chính áp lực về mặt môi trường từ quá trình sản xuất, sinh hoạt, khai thác tài nguyên và hiện trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực thượng và hạ nguồn bao quanh đầm phá đã và đang ảnh hưởng chất lượng môi trường, trong đó hậu quả trực quan nhất là vấn đề rác thải sinh hoạt, nhất là các loại chất thải khó phân hủy đang gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan vùng đầm phá.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trước mắt và lâu dài, các địa phương, ban ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc thu dọn rác hàng ngày, hàng tuần, tránh tình trạng rác thải tồn dư, gây ô nhiễm môi trường đầm phá ở một số địa bàn trọng điểm. Qua thống kê, hầu hết các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TX. Hương Trà đều tổ chức tổ đội thu gom rác thường xuyên, với tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các xã, thị trấn ven đầm phá đạt khoảng trên 85% tổng lượng rác phát sinh. Một số đã áp dụng mô hình vận chuyển trực tiếp rác thải đến tại bãi xử lý tập trung của tỉnh, của huyện, xoá các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm tức thời, cục bộ.
Ông Lê Vĩnh Quý, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Điền cho biết, để làm sạch môi trường khu vực đầm phá nói riêng và trên địa bàn huyện, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền việc phân loại rác tại nguồn đến từng hộ gia đình để hạn chế lượng rác phải vận chuyển và xử lý. Huyện cũng xây dựng lộ trình để tăng tần suất, thời gian thu gom rác, hạn chế tình trạng người dân bỏ rác không đúng địa điểm, thời gian quy định nhằm giải quyết tốt tình trạng rác tồn lưu dài ngày.
Cùng với đẩy mạnh công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, các địa phương đang đẩy mạnh các mô hình như phân loại rác tại nguồn, hạn chế và nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần khó phân hủy và vận động, khuyến khích người nuôi trồng thủy sản áp dụng phương pháp nuôi theo hướng VietGAP, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao để nuôi an toàn và tạo ra sản phẩm sạch.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG