Giao rừng cho dân quản lý: Hiệu quả nhưng còn nhiều bất cập
[ad_1]
Kiểm tra rừng tự nhiên Bắc Hải Vân
Giảm số vụ phá rừng
Ông Lê Văn An ở thôn Cân Tôm, xã Hồng Hạ (A Lưới) là một trong nhiều hộ ở địa phương được giao quản lý, bảo vệ gần 10ha rừng tự nhiên. Hộ ông An ngoài được hỗ trợ kinh phí từ nguồn khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng, mỗi đợt tham gia tuần tra còn được hỗ trợ 150-200 nghìn đồng/ngày. Sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ, hộ ông An đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, từng bước ổn định cuộc sống, bỏ hẳn tập quán sinh sống dựa vào rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, ông Ngô Hữu Phước thông tin, thời gian qua, ngành kiểm lâm huyện tiến hành giao hơn 20 ngàn ha rừng cho 191 nhóm hộ, 26 hộ gia đình, 39 cộng đồng dân cư và biên phòng quản lý. Việc giao rừng tự nhiên tạo điều kiện cho người dân yên tâm sử dụng đất, hưởng lợi từ các chính sách, chương trình, dự án (DA) hỗ trợ để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Từ đó, người dân tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), trồng rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh rừng. Tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện những năm gần đây giảm đáng kể. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới xảy ra 58 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, giảm 42 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, ông Hoàng Văn Chúc, Nam Đông được tỉnh đánh giá làm khá tốt việc giao rừng tự nhiên gắn với thực hiện các chính sách, DA hỗ trợ sinh kế cho người dân. Nhiều hộ từng nổi tiếng liên quan đến các vụ phá rừng dai dẳng, nay đã không còn tái phạm kể từ khi được hỗ trợ mô hình nuôi bò, lợn, trồng mây…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, rừng tự nhiên sau khi giao cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Trong nhiều vụ phá rừng có sự tham gia ngăn chặn, hoặc báo tin từ cộng đồng, hộ dân đến với cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên giảm đáng kể, một số nơi có trữ lượng rừng tự nhiên được phục hồi, tăng lên rõ rệt. Điển hình như diện tích rừng tự nhiên khi giao cho thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn (Phong Điền) quản lý vào năm 2003 với trữ lượng chỉ 46m3/ha, nay tăng lên trên 70m3/ha.
Tiếp tục giao quản lý, bảo vệ
Theo ông Ngô Hữu Phước, huyện A Lưới có đến 12 xã biên giới tiếp giáp nhiều huyện, tỉnh, địa bàn trải dài, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng mỏng lại quản lý, bảo vệ diện tích rừng rất lớn. Cán bộ một số địa phương phụ trách lâm nghiệp kiêm nhiệm nên việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác QLBVR của người dân còn nhiều hạn chế.
Một số cộng đồng, nhóm hộ chưa xây dựng kế hoạch BVR hằng tháng, quý, năm một cách bài bản, không thường xuyên tuần tra, truy quét tại rừng. Nghiệp vụ, trách nhiệm QLBVR chưa cao nên khi xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, một số chủ rừng không thể ngăn chặn, hoặc thiếu thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng.
Các chương trình, DA, chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân tuy được quan tâm, đầu tư nhiều mô hình kinh tế khá hiệu quả nhưng vẫn chưa tương xứng, chưa đảm bảo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững. Đa phần hộ vi phạm là người đồng bào thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên rất khó xử phạt, thu tiền vi phạm hành chính, từ đó không đủ sức răn đe. Trên địa bàn huyện vẫn còn hơn 8.000 ha rừng tự nhiên chưa giao cho cộng đồng nên gặp nhiều khó khăn trong QLBVR.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn lý giải, một số tồn tại, bất cập hiện nay trong QLBVR tự nhiên tại một số cộng đồng, hộ gia đình là do rừng được giao không nằm trong lưu vực nên không được hưởng dịch vụ môi trường rừng; rừng nghèo nên việc hưởng lợi từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ vẫn chưa có. Tuy các cộng đồng, nhóm hộ xây dựng phương án QLBVR, quy ước BVR nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện, làm hạn chế tính chủ động trong tuần tra, truy quét. Nhiều cánh rừng xa khu dân cư, người dân gặp khó khăn trong tuần tra, giám sát.
Tồn tại lớn lâu nay là nhiều chủ rừng còn nhầm tưởng rừng được giao cho mình quản lý thì Nhà nước phải có nghĩa vụ thanh toán, hỗ trợ mọi chi phí BVR. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có sự quản lý chung, phù hợp các nguồn tài trợ từ các DA, tổ chức phi Chính phủ cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được giao rừng. Điều này dẫn đến tình trạng một số chủ rừng được hỗ trợ từ nhiều DA cùng một lúc, trong khi nhiều chủ rừng khác lại không được nhận nguồn tài trợ nào. Đó chưa kể hiệu quả đầu tư cho các chủ rừng thiếu sự quan tâm đánh giá, hoặc bị giảm sút sau khi các DA kết thúc…
Theo ông Tuấn, để QLBVR hiệu quả, thời gian đến cần tiếp tục giao hơn 17 ngàn ha rừng tự nhiên còn lại cho cộng đồng dân cư, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Các cấp, ngành lồng ghép các chương trình, DA, chính sách hỗ trợ sinh kế, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả cho chủ rừng, người dân ổn định cuộc sống, không phụ thuộc vào khai thác lâm sản, lấn chiếm rừng trái phép. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các tổ chức, cá nhân về trách nhiệm, tham gia QLBVR tự nhiên là bảo vệ chính sự sống của họ…
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 31,6 ngàn ha rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, bảo vệ.
Bài, ảnh: Hoàng Triều