Giúp nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống
[ad_1]
Người dân “vùng rốn da cam” xã Đông Sơn chăm lo mảnh vườn
Ổn định cuộc sống
Nghe hỏi về căn nhà mới, nụ cười ông Hồ Anh Hàn (trú tại thị trấn A Lưới) giòn tan trong câu chuyện. Ông bảo: “Nhờ Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, tổ chức quan tâm đó con ơi. Ở tuổi 77 này, cơm no ba bữa là quý rồi. Nếu tự lực, làm sao xây được căn nhà này”.
Sinh được 4 người con, nhưng theo ông Hàn, không may các con bị ảnh hưởng bởi CĐDC, di truyền từ ông. Nương rẫy nhỏ trồng chuối, sắn đủ lo những bữa cơm hằng ngày và người vợ là lao động chính trong gia đình. Căn nhà cấp 4 xuống cấp khiến hai vợ chồng từng không ít lần sốt ruột mỗi mùa mưa bão. Năm 2020, từ nguồn hỗ trợ của tổ chức Thụy Sĩ với sự vận động của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin, Hội người cao tuổi các cấp và các ban ngành, chính quyền địa phương, ông cùng 8 gia đình khác trên địa bàn huyện đã xây dựng nhà mới, tổng kinh phí hỗ trợ mỗi căn nhà hơn 103 triệu đồng, được hỗ trợ thêm tủ, giường. “Ai đã trải qua năm tháng trong ngôi nhà cũ ấy mới cảm nhận hết sự sung sướng của chúng tôi bây giờ. Trước đây ẩm thấp, mưa dột, ngày nắng thì nóng, bây giờ ở nhà mới quá hạnh phúc”, ông Hàn phấn khởi.
Cải thiện nhà ở là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực được các cấp, ngành, chính quyền địa phương và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin hỗ trợ, chăm lo cho các nạn nhân nhiễm CĐDC ở A Lưới. Ông Hồ Văn Rêm, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện A Lưới cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện trợ cấp hàng tháng đối với 613 người bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, trong đó người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 374 người, con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 239 người. Huyện luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC, với nhiều việc làm thiết thực như: trợ cấp thường xuyên, đột xuất, chăm sóc sức khỏe, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ Nạn nhân CĐDC/dioxin và nhiều hoạt động khác nhằm chăm lo, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần tạo điều kiện cho nạn nhân CĐDC/dioxin vươn lên ổn định cuộc sống.
Với những gia đình nạn nhân CĐDC thuộc diện hộ nghèo, các địa phương lồng ghép, linh hoạt vận dụng các chương trình, dự án để hỗ trợ. Ông Quỳnh Cảm (xã A Roàng) cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ của các dự án, tôi được tặng bò để chăn nuôi. Địa phương cũng hỗ trợ, hướng dẫn gia đình trồng cao su, keo. Nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn hơn”.
Theo ông Hồ Sĩ Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện A Lưới, để giúp các gia đình có nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn, hằng năm tại huyện A Lưới triển khai nhiều hoạt động vận động, quyên góp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cá nhân hảo tâm. Đáng mừng là nguồn vận động qua các năm để hỗ trợ các nạn nhân CĐDC tăng dần. Các tổ chức, đơn vị chức năng thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, sửa chữa nhà xuống cấp, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ nhân dịp lễ, tết và Ngày Vì nạn nhân CĐDC/dioxin (10/8) hàng năm.
Tẩy độc trong đất, giảm nhẹ nỗi đau ca cam
Những ngày qua, lực lượng chức năng đã triển khai việc rà phá bom mìn phục vụ dự án tẩy độc dioxin tại khu vực sân bay A So, xã Đông Sơn. Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, Bộ Tư lệnh Hóa học (thuộc Bộ Quốc phòng) sẽ bắt tay vào các phần việc trong công tác tẩy độc.
Tổng diện tích mặt bằng thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin khoảng 8,38 ha, gồm hai khu là khu A diện tích 4,12ha và khu B là 4,26ha. Dự án được Bộ Quốc phòng phê duyệt với tổng kinh phí 70 tỷ đồng, dự kiến thực hiện đến năm 2022. Sau khi hoàn thành dự án, những diện tích đất đã được tẩy độc an toàn sẽ được giao cho xã Đông Sơn đưa vào sử dụng, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương, người dân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.
Ông Hồ Văn Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, được xem là “vùng rốn” da cam, đời sống người dân những năm qua rất khó khăn. Xã đang triển khai hai chương trình trọng điểm là giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Sau khi dự án tẩy độc dioxin hoàn thành, chính quyền địa phương sẽ nghiên cứu giải pháp giúp bà con làm ăn, phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo, ổn định cuộc sống, đặc biệt là với các gia đình nạn nhân CĐDC.
Bài, ảnh: Hữu Phúc