Giúp vốn, giúp cả kiến thức
Kinh tế Huế – Qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND, nhiều hộ ND nghèo xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế không những thoát nghèo mà còn có tiền nuôi con ăn học, xây nhà, mua phương tiện sản xuất…
Có vốn
Gia đình chị Trần Thị Diệp ở thôn Phò Nam B là một trong những hộ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH cho biết: Trước đây, mọi chi tiêu trong gia đình chị chỉ trông vào 1.000m2 đất trồng lúa. Cuộc sống tưởng chừng không có lối thoát, thì đầu năm 2000, qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND, gia đình chị được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng.
“Số tiền này tôi mua 2 con heo nái, 5 heo thịt về nuôi. Đến nay, tôi không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà còn có tích lũy. Hiện, gia đình đang sở hữu 3 sào đất trồng màu, 1.000m2 trồng lúa, 1 máy thổi lúa, 1 máy xay sắn làm bột lọc, 5 con heo nái, 5 con heo thịt. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi 50 triệu đồng” – chị Diệp cho biết.
Cũng như chị Diệp, năm 2008, chị Nguyễn Thị Liền được Hội ND xã tín chấp với Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng. Số tiền này, chị đầu tư trồng 3 sào rau màu, 1.000m2 lúa, nuôi 5 con heo nái và 5 heo thịt. Chị Liền cho biết, từ đó đến nay chị vẫn duy trì mô hình này. Trung bình mỗi năm lãi 60 triệu đồng. Chị đã xây được ngôi nhà khang trang, mua nhiều vật dụng có giá trị. Gia đình chị Diệp, chị Liền chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ ND trong xã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định từ đồng vốn ưu đãi.
Có kiến thức làm ăn
Anh Trần Chinh – Chủ tịch Hội ND xã Quảng Thọ cho biết: Đến nay, Hội ND xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với số vốn hơn 7 tỷ đồng cho 543 hộ vay, với 16 tổ vay vốn. Riêng năm 2012, ngân hàng đã cho 30 hộ vay 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội ND xã còn nhận ủy thác 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ ND T.Ư Hội cho ND vay. Để tạo điều kiện phát huy hiệu quả vốn vay, năm 2012, Hội ND xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 160 hội viên.
“Nhờ được vay vốn ưu đãi để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã đầy đủ. Vợ chồng tôi có điều kiện cho con đi học đàng hoàng hơn”.
Chị Trần Thị Diệp
Theo anh Trần Chinh, các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ. Các mô hình này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Thời gian tới, Hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chương trình cho vay uỷ thác thông qua các tổ chức hội phù hợp với địa bàn, nhằm hỗ trợ cho ND phát triển kinh tế. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, tổ trưởng tổ vay vốn nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ quản lý vốn, nâng cao chất lượng uỷ thác, từng bước giúp hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Nguồn: baomoi.com