Gỡ vướng về thủ tục, tháo bỏ rào cản cho đầu tư công
[ad_1]
Toàn cảnh tổ 13 tiến hành thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn
Tham gia thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được tại Báo cáo của Chính phủ; cho rằng, giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện, là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm; nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 được từng bước khắc phục; thể chế pháp luật về đầu tư công từng bước được hoàn thiện; việc phân bổ vốn cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức; cơ cấu lại vốn đầu tư công đạt kết quả bước đầu tích cực, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công được cải thiện.
Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế; các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn đã phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng nhận thấy, kế hoạch đầu tư công trung hạn còn một số tồn tại, hạn chế: nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn; nhiều trường hợp bố trí vốn không đúng tiến độ, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; việc giải ngân còn chậm, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA…. Các đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.
Tham gia phát biểu ở tổ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế-Lê Trường Lưu đánh giá cao việc Chính phủ bố trí nguồn lực cho tuyến đường ven biển. Cho rằng, thực chất tuyến đường ven biển (trong đó tại Thừa Thiên Huế có gần 90km) chính là tuyến đường kết nối Quốc gia, có tầm chiến lược, giảm tải cho tuyến QL1A hiện nay. Nét mới của dự án này là thay vì trước đây Trung ương làm, nay giao về cho địa phương triển khai theo phân cấp. thực hiện nhiệm vụ quốc gia trên địa bàn. Một điểm nữa là có nhiều ý kiến cho rằng tuyến đường này đi qua các khu vực xung yếu, sông ngòi, cửa biển nhiều nên mức độ đầu tư phức tạp, cần nguồn lực lớn.
Trưởng đoàn ĐBQH Lê Trường Lưu phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Dẫn chứng tại Thừa Thiên Huế, đại biểu Lê Trường Lưu cho biết, với gần 90km, tuyến dường ven biển tại Thừa Thiên Huế cần nguồn lực tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng. Trong đó, riêng cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) có chiều dài 1,5km với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng. Hiện tỉnh cũng đã phê duyệt dự án, HĐND tỉnh cũng đã thông qua dự án này. Tuy nhiên, nguồn lực cho tuyến đường này ngân sách Trung ương chỉ cấp cho một số công trình cơ bản, còn địa phương vẫn cần nguồn vốn để cân đối, huy động từ các nguồn lực khác.
Tương tự các địa phương khác cũng vậy. Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều có trục đường ven biển này, nếu làm tốt sẽ phục vụ dắc lực cho công tác phòng chống thiên tai và an ninh- quốc phòng. Một số tuyến ở vùng duyên hải ven biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên thực chất đã hình thành, tương lai sẽ được kết nối đồng bộ toàn khu vực, mở ra tiềm năng lớn về phát triển kinh tế-xã hội ven biển và đảm bảo an ninh quốc phòng trong vùng.
Về những khó khăn trong công tác triển khai dự án đầu tư công, đại biểu Lê Trường Lưu cho rằng, vướng nhất là thủ tục, ngay quy trình ban đầu khi lựa chọn dự án, công tác chuẩn bị đầu tư ban đầu, công tác giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu. “Trước đây, các địa phương từng kiến nghị Chính phủ có thể xem xét 1 số dự án tách riêng phần giải phóng mặt bằng thành 1 gói riêng, đến khi đấu thầu xây dựng cơ bản xong sẽ đảm bảo thi công nhanh. Thực tế công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là điểm nghẽn chung ở nhiều địa phương, làm chậm trễ quá trình giải ngân trong đầu tư công”- ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Trường Lưu đề xuất, ở nhiệm kỳ 2021- 2026 cần phải làm sớm hơn công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công. Các hạn chế của những dự án chuyển tiếp, dự án chưa đủ thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư… cũng cần phải từng bước khắc phục hạn chế, chuẩn bị trước một bước. Vấn đề cân đối nguồn lực trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng được đại biểu Lê Trường Lưu quan tâm…
Thái Bình- Việt Linh