Khi trở thành thị dân
[ad_1]
Nhiều nơi “lên phố” khi TP. Huế mở rộng vừa là cơ hội nhưng cũng là áp lực, thách thức đối với người dân trong ứng xử, chấp hành các quy tắc đô thị
Từ 27 phường nay đã tăng lên 36 phường, xã, trong đó có một số phường được nhập từ hai lại một, TP. Huế phát triển cả về quy mô diện tích lẫn dân số. Đây vừa là thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho Huế trong quá trình phát triển sắp tới.
Có thể dễ nhận ra được yếu thế của địa phương sau mở rộng là vẫn còn “di chứng” của đô thị nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhìn nhận và phân tích của nhiều người, điều này có thể trở thành lợi thế để giải quyết những vấn đề bất cập của đô thị như về rác thải, nước thải, không gian xanh… nếu biết sử dụng quỹ đất xanh, đất nông nghiệp, không gian mặt nước hiệu quả, hợp lý theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống. Tất nhiên, để làm được điều này cần có sự chủ động và tham gia của chính quyền và ý thức thay đổi lối sống mới của người dân.
Khi nói đến ý thức, lẽ đương nhiên là không phân biệt đối tượng là thị dân hay nông dân. Vì dù ở bất cứ đâu, mỗi người dân ngoài tuân thủ, chấp hành luật lệ theo quy định cũng cần có ý thức trong sinh hoạt, sản xuất để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn. Nay đã trở thành thị dân, càng nhiều tiêu chí, điều kiện ràng buộc đòi hỏi người dân phải thực hiện, nhất là khi TP. Huế đang xây dựng danh hiệu đô thị sinh thái bền vững.
Không chỉ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, chấp hành Luật Giao thông đường bộ…, người dân thành thị còn phải tuân thủ các quy tắc đô thị. Chẳng hạn, trước đây khi còn sinh sống ở khu vực nông thôn, người dân không cần xin giấy phép xây dựng khi muốn xây hay sửa chữa nhà ở thì nay khi trở thành người “thành phố” họ buộc phải lập hồ sơ, bản thiết kế để xin cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định về quy hoạch, mật độ xây dựng…
Các hoạt động kinh tế – thương mại – du lịch và dịch vụ của TP. Huế ngày càng sôi động, hình thành các điểm dân cư tập trung. Tuy nhiên, tại các khu đô thị mới, việc bố trí quỹ đất cho cây xanh, công trình giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường vẫn chưa hợp lý; phần lớn quỹ đất đều để dành cho nhà ở, xây dựng các công trình dịch vụ.
Đô thị hóa và mở rộng đô thị là xu hướng tất yếu khi xã hội ngày càng phát triển, mật độ dân số ngày càng tăng. Nhưng chính điều này đang nảy sinh yếu tố hai mặt giữa phát triển kinh tế với môi trường. Nhiều nhà máy, khu, cụm công nghiệp trước đây nằm ở ngoại ô thì nay lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc. Không đâu xa, trước đây, khi tỉnh và thành phố lựa chọn vị trí để xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của tỉnh nằm ở vị trí rất “heo hút”, xa khu dân cư nhiều km, vắng người qua lại… Nhưng qua quá trình phát triển, hiện nay, vẫn vị trí cũ, bãi xử lý rác tập trung của tỉnh ở Thủy Phương đang dần thu hẹp khoảng cách với nhà dân, đường giao thông.
Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững gắn với xây dựng Huế thành đô thị sinh thái, đòi hỏi chính quyền địa phương phải lập kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đề ra chính sách bảo vệ môi trường đúng đắn. Đồng thời, quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng bền vững. Quan trọng hơn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, cần làm mới, làm sang thêm cho thành phố, cho đô thị, cho môi trường sống từ ngay trong mỗi hành vi, cách ứng xử.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN