Khởi nghiệp đang trở thành xu thế
[ad_1]
Lãnh đạo tỉnh và Sở KHCN tôn vinh các ý tưởng đạt giải Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên Huế năm 2020
Môi trường năng động
Khi đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, chính quyền, các doanh nghiệp, cộng đồng ở Thừa Thiên Huế đã nỗ lực để phong trào KN, đổi mới sáng tạo được hình thành phát triển; tạo ra nhiều dấu ấn, giúp tinh thần KN lan tỏa mạnh mẽ.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ, xác định vai trò quan trọng của KN góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xây dựng, vận hành hệ sinh thái KN. Hầu các tổ chức, ban ngành, đơn vị ở địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã vào cuộc, tạo cảm hướng và lan tỏa tinh thần KN trong cộng đồng. Các chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nghiệp cũng đồng hành với tỉnh trong việc tư vấn, hỗ trợ kết nối, đào tạo… hình thành được hệ sinh thái KN đặc trưng của địa phương. Đây có thể xem là dấu ấn của Thừa Thiên Huế so với các địa phương khác.
Hiện nay, Trung tâm KN đổi mới sáng tạo tỉnh (trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh) đã thành lập không nằm ngoài mục tiêu kết nối các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế. Một số doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, như Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng đã xây dựng vườm ươm hỗ trợ KN; Câu lạc bộ KN Huế ra đời; Trường đại học Nông Lâm, Trường đại học Kinh tế- ĐH Huế, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã hình thành các CLB KN và vườn ươm…
Đại học Huế đã thành lập Trung tâm KN đổi mới sáng tạo có không gian làm việc riêng tại đường Lê Lợi-TP. Huế. Đây là một trong ba địa chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao làm thí điểm xây dựng hệ sinh thái KNĐMST của cả nước và đơn vị duy nhất của miền Trung-Tây Nguyên.
Theo TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN đổi mới sáng tạo-Đại học Huế, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã tổ chức 11 khóa đào tạo kỹ năng cho hơn 330 giảng viên nguồn; 5 khóa đào tạo chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực KN; 9 khóa đào tạo kỹ năng cho hơn 300 sinh viên nguồn và tổ hơn 100 sự kiện giúp cho hàng chục nghìn sinh viên tiếp cận, nâng cao kiến thức kỹ năng trong hoạt động KN. Trung tâm còn hỗ trợ hơn 300 ý tưởng, hình thành nên các dự án KN; hỗ trợ hơn 10 dự án được cam kết đầu tư với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Hiện nay, trung tâm đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đưa cộng đồng KN ở Thừa Thiên Huế đi vào chiều sâu, không mang tính phong trào.
Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Thừa Thiên Huế tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động KN. Mới đây, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Cố đô Khởi nghiệp” nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho các ý tưởng, dự án KN phát triển bền vững…
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế năm 2020
Kết nối đam mê
Dù hoạt động KN tại Thừa Thiên Huế đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, nhưng khẳng định được vị thế và bản sắc riêng. Những năm qua, việc tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn KN mang tính thường niên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, nhóm dự án KN, tổ chức hỗ trợ KN và các chuyên gia. Thông qua các Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” hàng năm ở địa phương luôn với tinh thần đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ không chỉ trong cộng đồng KN. Từ những cuộc thi nhiều ý tưởng, dự án KN được chọn lọc tôn vinh trở thành những thương hiệu Huế có điều kiện đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, như Công ty TNHH Sản xuất thương mại Yes Huế; Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và Dịch vụ Xưa; Công ty THHH Sản xuất thương mại Liên Minh Xanh…
Năm 2020, dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng chỉ sau 3 tháng phát động Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên Huế tạo dấu ấn mới. 9 cá nhân, doanh nghiệp với các ý tưởng, dự án KN được tôn vinh đầu tháng 12 vừa qua đã cho thấy tính sáng tạo, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để KN, như lĩnh vực y tế, du lịch, công nghệ thông tin, tài nguyên bản địa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa… Các ý tưởng, dự án này sẽ được tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đổi mới, chuyển giao đưa sản phẩm vào thị trường trong thời gian đến.
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm đến, dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan Huế… Để đạt mục tiêu trên, chính quyền địa phương đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, triển khai nhiều đề án cụ thể; trong đó đang tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung. Mong rằng, với tiềm năng và lợi thế đặc trưng riêng của địa phương, sự chung tay, ủng hộ của các doanh nghiệp, cộng đồng yêu KN, những nỗ lực và hành động cụ thể, đúng hướng của chính quyền Thừa Thiên Huế sẽ tạo cơ sở để lan tỏa hơn nữa tinh thần KN và đổi mới sáng tạo, xây dựng một Cố đô KN năng động hơn.
Bài, ảnh: Song Minh