Kinh tế Huế

Lợi ích kép từ dịch vụ môi trường rừng

[ad_1]


Cán bộ hỗ trợ người dân A Lưới trồng cây, phát triển sản xuất từ DVMTR (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Ổn định cuộc sống

Áp lực kinh tế, đời sống quá lớn khiến ông Lê Thanh Bừng ở xã Hồng Thượng (A Lưới) một thời chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã. Cách đây hơn 5 năm, ông Bừng cùng nhóm hộ dân trong thôn Hợp Thượng được giao quản lý, bảo vệ gần 100 ha rừng, hưởng chính sách hỗ trợ từ DVMTR.

Ngoài mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tuần tra, BVR, các hộ còn được hỗ trợ từ 150-200 ngàn đồng/một chuyến tuần tra, BVR từ nguồn DVMTR. Mỗi năm, kinh phí hỗ trợ từ DVMTR trên dưới 10 triệu đồng/hộ tuy không lớn, nhưng giúp người dân mua con giống, cây giống, phân bón… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ nghèo khó, nhóm hộ của ông Bừng ổn định cuộc sống nhờ chăn nuôi, trồng trọt; kinh tế dựa vào rừng từng bước hạn chế, ngày càng nâng cao ý thức QLBVR.

Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện A Lưới thông tin, hằng năm đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, nghiệm thu diện tích đủ điều kiện cung ứng DVMTR. Tính riêng năm 2020, HKL đã thanh toán DVMTR phục vụ quản lý, bảo vệ hơn 12 ngàn ha rừng thuộc cộng đồng, các hộ quản lý. Đối với diện tích đang tạm thời do UBND các xã, thị trấn quản lý, đơn vị thực hiện hợp đồng khoán BVR cho 18 nhóm hộ, 18 hộ cá nhân với diện tích gần 6.400ha từ DVMTR.

Hạt trưởng HKL huyện Phong Điền, ông Nguyễn Bá Thạo cho rằng, DVMTR là một trong những kênh hỗ trợ thiết thực cho công tác QLBVR một cách hiệu quả. Nhiều hộ đồng bào ở bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ từng bước ổn định cuộc sống nhờ kinh phí hỗ trợ từ DVMTR. Phần lớn các hộ bỏ hẳn tập quán sản xuất dựa vào rừng, săn bắt động vật hoang dã; đồng thời, có ý thức cao hơn trong tham gia, chung sức QLBVR. Một số tổ chức, đơn vị chủ rừng được hưởng DVMTR đã hợp đồng thêm nhân lực hỗ trợ, tăng cường tuần tra, QLBVR.

BVR hiệu quả

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, trong bối cảnh nguồn ngân sách bố trí cho công tác QLBVR còn hạn chế thì nguồn kinh phí chi trả từ DVMTR cho các đơn vị chủ rừng có ý nghĩa lớn. Các chủ rừng có điều kiện tăng cường thêm lực lượng, tổ chức tuần tra, QLBVR. DVMTR còn tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các cơ quan quản lý về lâm nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực QLBVR.

Tính riêng năm 2020, có 6 đơn vị (thuộc các đơn vị không có tổ chức kiểm lâm) được cung ứng DVMTR tổ chức xây dựng lực lượng BVR chuyên trách với 164 người, trong đó có 58 người đồng bào dân tộc thiểu số. Có 3 đơn vị không có lực lượng BVR chuyên trách tổ chức ký kết hợp đồng 93 lao động địa phương phục vụ công tác QLBVR, trong đó có 47 người đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chủ rừng là tổ chức Nhà nước đã giao khoán rừng cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý được hưởng DVMTR. Theo đó, có 4 cộng đồng thôn, 11 nhóm hộ và 21 hộ gia đình, cá nhân được ký hợp đồng nhận khoán QLBVR, phần lớn là người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ kết hợp sự hỗ trợ của các chương trình, dự án với DVMTR phát triển mô hình trồng mây, cây bản địa, cây dược liệu, mua phân bón, chăm sóc rừng trồng… tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống. Một số cộng đồng tại các xã Phong Mỹ, Phong Xuân (Phong Điền)… còn sử dụng tiền DVMTR phục vụ rà soát, cắm mốc xác định ranh giới diện tích rừng đang quản lý, mua sắm trang thiết bị, máy tính bảng phục vụ cho tuần tra, QLBVR.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 2.736 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, tịch thu gần 2.625m3 gỗ các loại; giảm 1.261 vụ, lâm sản tịch thu giảm 1.269m3, số vụ xử phạt hành chính giảm 514 vụ… so với giai đoạn 2011-2015.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button