Kinh tế Huế

Lợi thế ven đô

[ad_1]


Cụm Công nghiệp Tứ Hạ sẽ mở rộng giai đoạn 3

Công nghiệp là mũi nhọn

Hương Trà có vị trí địa – kinh tế rất thuận lợi: nằm trên trục giao thông đường bộ, đường sắt xuyên Việt, liền kề TP. Huế và được xác định nằm trong vùng đô thị lõi trung tâm khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với vị trí này, thị xã nhận được sự tác động phát triển lan toả của thành phố trung tâm đô thị Huế trong quá trình đô thị hoá, phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, tiếp nhận khoa học – kỹ thuật – công nghệ mới, mở rộng liên kết trong nước và quốc tế…

Thị xã còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá lớn, phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng. Là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, giá trị sản xuất ngành công nghiệp Hương Trà chiếm khoảng 22% trong tổng giá trị công nghiệp toàn tỉnh.

6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 2.130 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2020. Hương Trà đã thu hút được dự án sản xuất máy biến dòng với tổng vốn đầu tư 7,5 triệu USD vào khu công nghiệp Tứ Hạ cùng nhiều dự án mới đang đăng ký đầu tư.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 1264 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp HĐND thị xã giữa năm mới đây, Hương Trà đã bàn và thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Để phù hợp với xu thế phát triển, cơ cấu kinh tế sẽ điều chỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, trong đó, công nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy Hương Trà phát triển.

Xã Bình Tiến phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021

Theo Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, ông Nguyễn Duy Hùng, ngoài khu công nghiệp Tứ Hạ, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, địa phương đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý cần thiết để trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ lên 75 ha (giai đoạn 3), lập các thủ tục thành lập mới 3 cụm công nghiệp để giải quyết nhu cầu bức thiết của nhà đầu tư, góp phần phân bố sản xuất hợp lý theo không gian phát triển, gồm: cụm công nghiệp Bình Thành (quy mô 32ha phục vụ chế biến lâm sản); cụm công nghiệp Hương Vân – Hương Văn (quy mô 75ha, dành cho ngành nghề vật liệu xây dựng) và cụm công nghiệp Hương Xuân – Hương Văn (quy mô 75ha, phát triển công nghệ cao). “Tất cả các cụm công nghiệp này đã có đăng ký trong đề án phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2030”, ông Hùng nói.

Huy động nguồn lực, khuyến khích đầu tư

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, ông Trần Xuân Anh chia sẻ: Bên cạnh những thuận lợi, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần giải quyết kịp thời, thấu đáo; rất cần tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ về thủ tục.

Thị xã đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu trung tâm thị xã, phân khu của các phường xã và rà soát điều chỉnh tổng thể quy hoạch nông thôn mới của các xã; cập nhật các vùng có thể phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng và có cơ sở sớm thành lập các cụm công nghiệp. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư và nâng cấp hạ tầng trên cơ sở quy hoạch các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã có, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. “Đặc biệt, Hương Trà chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – làng nghề. Đến nay, dù chưa thành lập, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký vào cụm công nghiệp Bình Thành”, ông Anh cho hay.

Sản xuất ghế đan sợi nhựa xuất khẩu tại Hương Trà

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thị xã đang xây dựng kế hoạch cơ cấu theo hướng đổi mới sáng tạo để gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh, trong đó phát triển công nghiệp – xây dựng theo hướng đa ngành nghề, có tốc độ tăng trưởng cao, thân thiện với môi trường, phát triển công nghiệp năng lượng, chú trọng công nghiệp hỗ trợ. Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 16-17% (kế hoạch trước khi điều chỉnh tăng 14,5-15,5%/năm), phấn đấu đến 2025, giá trị sản xuất (so với 2020) đạt khoảng 7.100 tỷ đồng.

Theo đó, thị xã sẽ điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế, nguồn nhân lực và nhu cầu của thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tứ Hạ. Hình thành được những sản phẩm công nghiệp chủ lực, như dệt may, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, cơ khí, vật liệu xây dựng công nghệ mới… Đồng thời, khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới sau đại dịch COVID-19 cũng như có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

“Trước mắt, chúng tôi cần tỉnh hỗ trợ cho thành lập các cụm công nghiệp mới trên địa bàn. Thị xã sẽ đầu tư và kêu gọi đầu tư hạ tầng. Nếu được hỗ trợ thì lĩnh vực công nghiệp của địa phương sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Bí thư Thị uỷ Hương Trà Hà Văn Tuấn đề xuất.

Bài, ảnh: Liên Minh

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button