Đất - Người Huế

Mồ hôi của ba sẽ là giọt châu hạnh phúc

Đất – Người Huế – Từ ngày tai nạn cướp đi sinh mạng người vợ thân yêu, anh Đề bị trầm cảm. Suốt ba năm sau đó với anh là quãng thời gian bi đát nhất của cuộc đời. Nhưng rồi thương hai con, anh phải giấu đi nước mắt để xuôi ngược khắp xứ Huế với chiếc xe kem nuôi hai con ăn học.

Gà trống nuôi thủ khoa
Mới đặt chân vào đầu làng Nhất Đông, phường An Đông, thành phố Huế, bắt gặp ông Tuấn trưởng xóm Am, chưa kịp hỏi ông đã “toát” cho tôi một mạch: “Hai cha con ông Đề và Hiếu bán kem ở nơi ni, bà con lối xóm ai cũng khen. Tội cho thằng Đề, vợ mất khi còn trẻ rứa mà ở vậy nuôi con, ai có ý tốt muốn giới thiệu người bầu bạn sớm hôm nó cũng không ưa. Còn hai đứa con học giỏi sống có tình, có nghĩa với xóm làng. Riêng thằng cu Hiếu là thủ khoa toán, niềm tự hào của xóm tui đó. Mới vào đại học Sư phạm Huế được gần hai năm, vậy mà trong xóm nhà nào có con nhỏ học yếu toán tới nhà anh Hiếu là nó bày vẽ hết”.
Nghe tiếng chó sủa báo có khách lạ đến nhà, anh Đề gác lại công việc sửa chữa chiếc xe xích lô cũ kỹ đã được anh chế thành xe chở kem. Anh mở đầu câu chuyện: “Nói thiệt với chú, từ ngày thằng Hiếu chào đời đến nay anh đã đi bán kem khắp thành phố Huế. Ngõ ngách mô anh cũng đi rồi, nhờ rứa mà phụ giúp vợ nuôi con”.
Từ ngày chị mất đi anh buồn lắm, không quan hệ với ai, ngày đi làm tối về cứ nhìn tấm hình vợ treo ở phòng khách là muốn khóc. Anh tâm sự: “Gần tám năm nay cái chết của chị cứ ám ảnh anh mãi”. Vợ anh Đề tên Lê Thị Thảo, vào một ngày mưa tháng 10.2005, trong lúc chèo thuyền qua sông Nhất Đông để hái rau về cho heo ăn, bất ngờ khi ra đến giữa sông thuyền bị lật, chị ra đi bỏ lại chồng và hai con nhỏ đang tuổi ăn học.
Thân cò bên xe kem
“Đời ba đã khổ và chứa đầy nước mắt. Nên, sau này em chỉ muốn những giọt mồ hôi lăn dài trên má của ba sẽ là những giọt ngọc châu của hạnh phúc”.
Sau ngày chị Thảo mất, thương các cháu nhỏ và anh Đề vất vả sớm hôm, mẹ anh Đề là bà Ngô Thị Bê năm nay đã 74 tuổi vừa làm bà nội vừa làm mẹ, sớm hôm lo cơm nước cho hai cháu Nguyễn Đắc Hiếu và Nguyễn Đắc Thắng (học sinh trường THPT Hai Bà Trưng, Huế). Để có tiền nuôi hai con và mẹ già, anh Đề ngày ngày ra sức đạp xe đi bán kem khắp mọi nẻo đường. Đến mùa mưa anh lại bán kẹo kéo. Mỗi ngày đi bán cũng kiếm được năm, bảy chục ngàn. Tất cả tiền kiếm được anh đưa hết cho mẹ để tính toán chi tiêu hàng ngày, có đồng nào dư thì dành dụm cho hai con mua sách vở với mong muốn con học thật tốt để sau này thoát cảnh nghèo. Anh Đề thổ lộ: “Nhiều lúc cả ngày kem chảy nước không bán được cho ai, trong lòng cứ nghĩ đến bài nhạc Trịnh Công Sơn Tôi ơi đừng tuyệt vọng, thế là cũng có phần an ủi. Phải cắn răng chấp nhận thôi, ông bà mình thường bảo buôn may bán rủi mà”.
Thấy cha vất vả bán kem từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà, cả hai con anh Hiếu học rất ngoan. Thiếu sự chăm sóc của mẹ, Hiếu và em Thắng luôn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, phải học thật giỏi để không phụ tấm lòng của ba. Trong suốt những năm qua, Hiếu không ngừng vươn lên trong học tập, 12 năm liền em là học sinh khá, giỏi. Gạt ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người vì sợ ba không lo nổi học phí và tiền sách vở suốt sáu năm trường y, Hiếu chấp nhận vào trường sư phạm. Cho đến bây giờ, Hiếu luôn là một trong những sinh viên xuất sắc của khoa toán đại học Sư phạm Huế. Hiếu cho biết: “Hàng ngày đi học về, biết ba đã rong ruổi khắp các nẻo đường để chào mời mọi người mua từng cây kem, lòng em như nghẹn lại. Nhất là khi nhìn thấy ba đi bán gặp trời mưa to, bộ quần áo ướt nhiểu ôm chặt thân hình nhỏ bé, gầy guộc của ba thì nước mắt em cứ tuôn trào”. Hiếu còn thổ lộ: “Em không bao giờ cho phép mình cãi lại hoặc to tiếng với ba. Đời ba đã khổ và chứa đầy nước mắt nên sau này em chỉ muốn những giọt mồ hôi lăn dài trên má của ba sẽ là những giọt ngọc châu của hạnh phúc. Khi nào việc học ổn định, em sẽ sắp xếp thời gian đi làm thêm phụ giúp ba, chứ ba em đi bán kem dạo cũng không đủ tiền lo cho em suốt thời gian học đại học”.
Bởi tình phụ tử mà anh Đề không màng đến bản thân, ăn đói mặc khổ len lỏi khắp phố Huế bán buôn nuôi con. Cùng bởi tình phụ tử mà dù mưa to, nắng cháy, anh lặn lội thân cò ky cóp từng đồng bạc lẻ làm học phí cho con.

Bài và ảnh: Hồ Hương Giang
Nguồn: sgtt.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button