Nâng tầm đô thị Huế
[ad_1]
Huế sẽ được mở rộng diện tích gấp 3,7 lần. Ảnh: Nguyễn Phong
Diện tích tăng gần 4 lần
Nghị quyết của Quốc Hội điều chỉnh để mở rộng TP. Huế theo trục kéo dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương, ngoài phát huy thế mạnh về các di sản, di tích thu hút du khách, Huế còn phát huy được thế mạnh về dịch vụ – du lịch, dịch vụ sinh thái, du lịch biển… Khi mở rộng, không gian đô thị Huế không chỉ có di sản hiện có mà còn trở thành đô thị có đủ địa hình đồng bằng, biển, đầm phá và cả vùng núi.
Hiện, diện tích của TP. Huế là 70,67km2, dân số 354.124 người. Sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố và sắp xếp, thành lập các phường, TP. Huế sẽ có 265,99km2 diện tích tự nhiên (tăng 3,76 lần), dân số 652.572 người (tăng 1,8 lần).
Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai xã Thủy Vân, Thủy Bằng thuộc TX. Hương Thủy; 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương thuộc TX. Hương Trà; 4 xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang sẽ thuộc TP. Huế.
Sau khi điều chỉnh mở rộng, TP. Huế sẽ sắp xếp 9/27 phường. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp để thành lập một phường mới lấy tên là phường Gia Hội; hai phường Phú Bình và Thuận Lộc nhập thành phường mới Thuận Lộc; hai phường Phú Hòa và Thuận Thành có tên mới là Đông Ba. Điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và hơn 7.500 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,8km2 diện tích tự nhiên và hơn 4.900 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.
Một góc đô thị Huế
Nâng tầm
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, quy hoạch xác định tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố cơ bản là xây dựng một đô thị lịch sử sống động với mục tiêu phát triển Huế trở thành đô thị sáng tạo văn hóa; trong đó phát triển ngành công nghiệp tri thức chất lượng cao để phát triển Huế trở thành đô thị công nghiệp tri thức. Xây dựng đô thị thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên để phát triển Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu, hướng tới phát triển TP. Huế thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương với tư cách “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”.
Thành phố sẽ bắt tay ngay vào việc chuẩn bị, kiện toàn, ổn định bộ máy, tổ chức; cùng với các sở, ban ngành liên quan xây dựng Nghị quyết về phát triển đô thị Huế trong tình hình mới cũng như rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động để hướng đến thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã nêu.
Trên cơ sở xác định tầm nhìn đến năm 2050 của TP. Huế cơ bản xây dựng một đô thị lịch sử sống động với mục tiêu phát triển Huế trở thành đô thị văn hóa sáng tạo. Phát triển ngành công nghiệp tri thức chất lượng cao để phát triển Huế trở thành đô thị công nghiệp tri thức, xây dựng đô thị thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên để phát triển Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu, hướng tới phát triển TP. Huế thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương với tư cách “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”.
Nguồn lực về văn hóa lịch sử, con người, cảnh quan thiên nhiên riêng có của mảnh đất Cố đô đang trở thành tài sản quý giá để Thừa Thiên Huế khai thác, phát huy các lợi thế để phát triển lên tầm cao mới. Trong đó, mỗi người dân Huế chính là một chủ thể để phát triển Huế. Với thế và lực mới, lãnh đạo thành phố kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, toàn quân, toàn dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới để nắm bắt vận hội, đưa TP. Huế nói riêng và toàn tỉnh nói chung ngày càng phát triển.
Tạo cơ hội cho sự bứt phá, năm 2021 thành phố tiếp tục khai thác lợi thế của văn hóa di sản, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Chú trọng cải thiện môi trường du lịch, chất lượng dịch vụ, đa dạng các sản phẩm du lịch để phát triển kinh tế đêm. Khai thác tuyến đường đi bộ bờ Nam sông Hương kết hợp tuyến đường đi bộ bờ Bắc sông Hương, trong đó, tạo điểm nhấn phục vụ du khách và người dân. Nghiên cứu hình thành phố đi bộ khu vực xung quanh Đại Nội đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí về đêm phục vụ khách du lịch…
Với thế và lực mới, chắc chắn, TP. Huế sẽ cùng với toàn tỉnh phát triển vượt bậc bằng chính tiềm năng to lớn và nội lực mạnh mẽ của mình. Biến thách thức thành cơ hội để Huế vươn lên chuyển mình một cách mạnh mẽ, nâng tầm vị thế và hình ảnh của Huế – xứ sở trù phú – yên bình – an lành – hạnh phúc, thành phố sáng tạo và đưa “Giấc mơ Huế” thành hiện thực.
Bài, ảnh: Thanh Hương