Phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu
[ad_1]
Nông dân Quảng Điền phun thuốc phòng trừ sâu bệnh
Nguy cơ lây lan
Nông dân Nguyễn Dũng ở xã Quảng An (Quảng Điền) đang gặp khó khăn khi xử lý sâu bệnh trên 5 sào lúa hè thu của mình. Một số bệnh khô vằn, cuốn lá nhỏ… gây hại trên diện tích lúa của ông Dũng cũng như xứ đồng An Xuân từ hơn hai tuần nay vẫn đang tiếp tục lây lan, phun trừ chưa hiệu quả.
Một số loại thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu đã được ông Dũng sử dụng phun phòng trừ theo sự hướng dẫn của cán bộ hợp tác xã (HTX), như đúng thuốc, đúng liều lượng, thời điểm. Ông Dũng bảo, thấy sâu bệnh không giảm, nhiều lúc muốn tăng liều lượng thuốc nhưng không thể, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không an toàn.
Giám đốc HTX An Xuân, ông Trần Quang Hùng cho rằng, thời tiết nắng hạn kéo dài, nhiều đồng ruộng có nguy cơ thiếu nước làm cây lúa sinh trưởng chậm, tạo điều kiện lây nhiễm một số loại sâu bệnh. Từ đầu vụ, HTX hướng dẫn thành viên, nông dân chủ động sử dụng các loại thuốc phù hợp phun phòng trừ sâu bệnh, kết hợp bắt bẫy bằng thủ công.
Sâu cuốn lá nhỏ đang gây hại trên nhiều xứ đồng ở Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà. Giám đốc HTX Thủy Thanh 2 (TX. Hương Thủy), ông Phùng Hữu Thạnh lo lắng: “Đây là loại sâu bệnh khá nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Từng có một số mùa vụ gần như mất trắng do loại bệnh này. HTX đang cùng với hộ thành viên, nông dân tích cực bám đồng, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế tối đa lây lan diện rộng.
Đúng thuốc, đúng thời điểm
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, sâu bệnh vụ này đang lây lan khá nhanh, một phần do thời tiết nắng hạn gay gắt, một số nơi có nguy cơ thiếu nước khiến lúa sinh trưởng kém, yếu đề kháng. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 lúa bị bệnh khô vằn với tỷ lệ bệnh 10-20%, nơi cao 30-40%. Sâu cuốn lá gây hại trên diện tích gần 1.000 ha, mật độ 10-20 con/m2, nơi cao 40 con/m2.
Bọ phấn đang xuất hiện ở phường Hương Hồ (TP. Huế), gây hại trên diện tích mới chỉ 5 ha nhưng mật độ rất cao, phổ biến 1.500 con/m2, nơi cao 3.000 con/m2 và có nguy cơ lây lan diện rộng thời gian đến. Một số địa phương còn xuất hiện bọ phấn trắng, nhện gié, rầy, bệnh đốm nâu, gạch nâu, bệnh thối thân, thối bẹ lá đòng… gây hại mật độ và tỷ lệ bệnh thấp.
Ông Anh cho rằng, phun đúng thuốc, thời điểm, liều lượng là một trong những giải pháp tối ưu có thể hạn ngăn chặn, hạn chế tối đa sâu bệnh lây lan. Yêu cầu trước tiên, người dân cần tập trung phun phòng trừ cùng một thời điểm nhất định. Đồng thời phải phun đúng thuốc, với bệnh lem lép hạt cần phun thuốc khi lúa trổ vè thưa (3-5%) và sau khi lúa trổ xong. Người dân chọn các loại thuốc phù hợp, có tác dụng phòng trừ bệnh lem lép hạt, bệnh khô vằn, vàng lá, thối bẹ lá đòng… như Amistar Top 325SC, Nevo 330EC…
Các xứ đồng bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, nhất là nơi có mật độ cao (giai đoạn đòng – trổ trên 20 con/m2) cần phải xử lý, phun thuốc phòng trừ bằng các loại thuốc như Virtako 40 WG, Dylan 10WG, Mapwinner 5 WG…. Với nhện gié xuất hiện những nơi có tỷ lệ hại trên 5% cần phun trừ bằng các loại thuốc Nissorun 5EC, Nilmite 550SC, Sulox 80WP, Aba-navi 40EC…
Chi cục khuyến cáo, nông dân cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng, diễn biến thời tiết, tình hình các đối tượng sinh vật gây hại, nhất là rầy, bọ phấn để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời. Chuột đang gây hại trên diện tích trên 100 ha, người dân cần tổ chức diệt chuột bằng mọi biện pháp phù hợp (trừ giăng điện) để hạn chế thiệt hại vào giai đoạn lúa làm đòng – trổ chín.
Tổng diện tích bị sâu bệnh toàn tỉnh tính đến ngày 15/7 khoảng 2.000 ha. Các xứ đồng bị bệnh khô vằn tập trung ở các xã Hương Toàn, Hương Chữ (TX. Hương Trà), Thủy Thanh, Thủy Tân (TX. Hương Thủy), HTX số 2 Sịa, An Xuân, Đông Vinh, Đông Phước, Phú Hòa (Quảng Điền). Sâu cuốn lá tập trung ở các xã Lộc Sơn, Lộc Bổn (Phú Lộc), Thủy Phương, Thủy Dương (TX. Hương Thủy), các HTX Đông Phú, Phú Thanh, Kim Thành, Quảng Thọ (Quảng Điền), các xã Phú Đa, Phú Gia, Vinh Hà, Phú Hồ (Phú Vang), HTX Đông Toàn (TX. Hương Trà)…
Bài, ảnh: HOÀNG THẾ