Răng mà nhớ Huế ri
Mùa mưa dai dẳng kéo về trên đất Huế. Mưa trắng trời trắng đất, cả tháng không thấy ánh mặt trời. Những ngôi nhà xưa nhuộm thêm màu rêu cổ kính. Từng con đường, góc phố vội vã bước chân qua.
Vắng tiếng nhã nhạc, dòng Hương Giang yên ắng, trầm lắng đến lạ kỳ, thấp thoáng dáng các mệ già nặng gánh hàng rong kĩu kịt lưng uốn cong theo nhịp Trường Tiền…
Huế bình yên và trầm lặng. Cái rét cắt da cắt thịt của miền Trung cộng thêm những cơn mưa tầm tã xé nát lòng những người con xa xứ. Bốn đứa đạp xe lòng vòng trong thành phố, qua Thành nội ngắm mái ngói trầm tư nấp dưới bóng cổ thụ. Cột cờ lừng lững, uy nghiêm một mình reo trong gió rét mùa đông, hồ Tịnh Tâm xác xơ cuống những cụm sen tàn… Khung cảnh Huế mùa đông thật ảm đạm. Buồn đến nao lòng.
Qua Hàn Thuyên, chúng tôi dừng lại thưởng thức món bánh canh nổi tiếng. Vị cay nồng của món ăn Huế giúp thực khách thấy ấm lòng trở lại. Vị cay đắng – mặn nồng của từng món ăn chính là phẩm chất, cốt hạnh của con người nơi đây, những số phận quanh năm oằn mình gánh chịu thiên tai, lũ lụt. “Răng”, “chi”, “mô”, “rứa” nghe thân thương mà ngọt ngào đến lạ.
Bốn năm sống trên mảnh đất này. Nhớ lắm!
Buổi chiều tàn ngẩn ngơ ngắm dòng Hương nhuộm đầy sắc tím. Trở đông, hàng điệp già trong công viên Lê Lợi trải thảm lá, sân Quốc Học lách tách hạt tương tư…
Huế lụt, khắp các ngả đường trắng một màu nước. Bầu trời u ám như sương giăng. Nhớ nhất vẫn là những chiều hứng gió đông lạnh lùng bên công viên Thương Bạc. Sông trôi, thời gian trôi, gió gào rít, lũ chúng tôi tìm bình yên gửi lòng vào dòng nước. Mảng lục bình dập dìu theo gợn sóng, gửi thân bèo mang đi chút ưu tư muộn sầu trong cuộc sống, rồi tự hỏi “bèo sẽ trôi về đâu?”.
Yên ắng, nhẹ nhàng – cái làm nên vẻ đẹp rất Huế khiến du khách sợ đến run người, nhưng khi rời xa chính nó lại kéo ta, ôm ghì lấy ta, níu ta khao khát quay về cố đô thanh tịnh. Huế trong tôi đẹp quá, thơ quá. Một ngôi chùa, một cánh diều, một nhịp chèo khua, một nụ cười câu nói cũng làm nên một nốt thăng, trầm giáng trong lòng người.
Qua đông, tiết xuân se lạnh. Chim tíu tít chuyền cành hát mừng nắng. Mai bừng lên dát ánh vàng rọi khắp khu nhà vườn Phú Mộng – Kim Long. Dọc lên chùa Thiên Mụ khói hương nghi ngút. Đầu xuân, khép lại những vất vả lo toan, nhà nhà đi lễ chùa, hái lộc, cung kính cầu phúc, cầu tài. Từ gác chuông, tiếng chuông ngân dài, vọng xuống dòng sông chở niềm tin, niềm hi vọng ấp ủ theo lòng người về phố.
22 giờ, thành Huế chìm trong giấc ngủ. Ngày chúng tôi mới làm quen với Huế thầy giáo tôi từng bảo “không ngủ sớm không còn là dân Huế”. Huế về đêm không ồn ào, náo nhiệt như những thành phố lớn. Sau 21 giờ, Huế trầm mặc phủ mình dưới ánh đèn đường mờ ảo. Huế trong đêm đẹp như một thiếu nữ gối đôi má ửng hồng trên tay khẽ đi vào giấc ngủ. Phố xá thưa dần bước chân người qua lại, tiếng cười nói cũng lịm dần trong bóng tối.
Thi thoảng tiếng gõ mộc lách cách của gánh hủ tiếu vọng ra từ góc phố vang xa hơn trong đêm tĩnh mịch. Tiếng nhạc Trịnh trong quán cà phê đóng muộn tản vào không trung thì thầm theo gió ru Huế ngủ.
Hoàng hôn, chúng tôi thường rủ nhau lên bia Quốc Học bắt hồn Huế. Mặt trời chạm dần xuống cầu Bạch Hổ hắt đỏ cả dòng sông. Khi mặt trời gần tắt hẳn cũng là lúc Huế chìm trong màu tím. Dòng Hương Giang lúc ấy mang vẻ đẹp mê hoặc lòng người. Chúng tôi từng biết đến “nhan sắc” Huế qua nhiều bài thơ, nhiều ca từ, nhưng khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp “chẳng nơi nào có được” vẫn không hết ngạc nhiên, thích thú.
Chiều cuối cùng trên đất Huế, chúng tôi đạp xe lòng vòng tìm kỷ niệm. Mỗi góc phố, mỗi con đường dường như thân quen quá. Bốn đứa ngồi lại bên dòng sông cùng đọc bài thơ Tạm biệt Huế.
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. (Thu Bồn)
Mắt đứa nào cũng ngân ngấn lệ. Bốn năm học chúng tôi mang theo về nỗi nhớ niềm thương. Nơi cách xa Huế gần 1.000 km, nhớ về Huế, nhớ về người. Lòng nặng trĩu, tôi thầm gọi Huế ơi!
Ngân Hà