Pháp luật Huế

Sai phạm của GĐ Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế: Viết thư tay “chỉ đạo” cấp dưới cho doanh nghiệp mượn tiền(!?)

Pháp luật Huế – Chỉ đạo bằng giấy viết tay, bắt tay với doanh nghiệp (DN) bán rừng, trù dập, kỷ luật cán bộ trái quy định… do vị GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế Hồ Đăng Vang được Thanh tra tỉnh này làm rõ…
Bắt tay với doanh nghiệp bán rừng
Hồ sơ từ Thanh tra tỉnh Thừa Thiên- Huế cho thấy, tháng 8-2010, Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế đã có Quyết định (QĐ) phê duyệt dự toán khai thác 75,27 ha rừng tại xã Phú Vinh, huyện A Lưới. Theo quy định, thì Sở phải tiến hành đấu thầu. Tuy nhiên, ngày 16-11-2010, ông Nguyễn Văn Lộc, GĐ xí nghiệp Tấn Lộc, trụ sở tổ 16, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, có đơn viết tay gửi Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) A Lưới xin mua. Nhưng ông Lộc lại ủy quyền cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuấn Nhân, trụ sở tại phường Thủy Phương ký hợp đồng với Ban QLRPH A Lưới.
Trước những “mánh khóe” trên, ngày 13-11-2009, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có công văn với nội dung: “Không xét tuyển hồ sơ tham gia đấu thầu đối với xí nghiệp Tấn Lộc do không thực hiện đúng hợp đồng”. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT đã phớt lờ và tiến hành lách luật bằng cách cử DNTN Tuấn Nhân và DNTN Tuấn Tài, trụ sở tại 15 Lê Thánh Tôn, TP Huế, mua rừng thay cho xí nghiệp Tấn Lộc. Ngày 22-11-2010, DNTN Tuấn Nhân mua 75,27ha rừng với giá gần 1,5 tỷ đồng. Ngày 7-1-2011, xí nghiệp Tấn Lộc bán diện tích rừng này cho DNTN Tuấn Tài giá 3,6 tỷ đồng. Chỉ với vài “chiêu” đó, xí nghiệp Tấn Lộc đã mua rừng với giá bèo và bán lại giá cao, thu lời hơn 2 tỷ đồng.
Chưa dừng lại đó, ông Vang còn tự ý điều chỉnh các quyết định phê duyệt khai thác rừng nhằm hạ giá bán, gây thất thoát cho ngân sách. Ngày 8-10-2008, ông Hoàng Ngọc Khanh, Phó GĐ Sở NN&PTNT nay là Chánh văn phòng UBND tỉnh ký QĐ 791 phê duyệt khai thác 37,2ha rừng tại Ban QLRPH Hương Thủy, số tiền đấu giá hơn 2,2 tỷ đồng. Song, ngày 28-7-2009, ông Vang ra QĐ 551 thay thế QĐ 791, điều chỉnh giá chỉ còn 608,079 triệu đồng. Để làm được việc này, ông Vang đã cho chỉnh sửa lại bảng thống kê sản lượng gỗ, thay vì có 50% gỗ gia dụng của QĐ 791 được sửa ở QĐ 551 là 100% gỗ nguyên liệu (có giá trị thấp hơn). Việc này đã làm thất thoát ngân sách gần 1,6 tỷ đồng, chưa kể sau một năm rừng không thay đổi, cây càng lớn và giá cả càng tăng. Số gỗ này được bán cho một người quen biết với ông Vang và sau đó bán cho một DN ở Hà Nội với giá cao gấp nhiều lần. Những người tố cáo và dư luận cho rằng, ông Vang hạ giá xuống thấp nhằm thông đồng với đơn vị “ruột” để trúng thầu, bòn rút tiền.
Cùng với đó là việc giải quyết tranh chấp hợp đồng khai thác gỗ lim lóc lõi giữa Cty TNHH Phong Thiên và Ban QLRPH Nam Đông chưa được giải quyết do Sở NN&PTNT đã để vụ việc tranh chấp kéo dài 4 năm, khiến hàng chục m3 gỗ bị hư hỏng và phải bồi thường thiệt hại hơn 300 triệu đồng cho Cty Phong Thiên. Sự việc này cũng do sự thiếu trách nhiệm của ông Vang.
Tòa án đang giải quyết vụ việc  thì 21 phách gỗ lim (2,237m3) được Thanh tra Sở NN&PTNT kết luận là bị “bốc hơi” không biết mất vào thời điểm nào, nhưng ông Vang lại quy trách nhiệm cho ông Nguyễn Trọng Thung, nguyên Phó GĐ Ban QLRPH Nam Đông, trong khi ông Thung đã rời khỏi Ban này từ tháng 4-2010. Ông Thung cho biết, việc làm của ông Vang nhằm chối bỏ trách nhiệm và đùn đẩy cho mình.

Bảo kê cho doanh nghiệp(?)
Từ năm 2008 đến nay, các hợp đồng khai thác, bán rừng ở các Ban QLRPH Bắc Hải Vân, Nam Đông, Hương Thủy, A Lưới, Sông Bồ… đều được ông Vang ưu ái cho xí nghiệp Tấn Lộc. Theo điều tra, Tấn Lộc là Cty có “số má” tại Huế với trụ sở hoành tráng tại 504 Nguyễn Tất Thành, thị xã Hương Thủy. Được biết tài sản về rừng, đất đai… của Tấn Lộc là khổng lồ. Xí nghiệp này được sự nâng đỡ của một số cán bộ (trong đó có ông Vang), thao túng mọi hoạt động khai thác, mua bán rừng tại Huế. Ngoài ra, xí nghiệp Tấn Lộc còn hoạt động xây dựng dân dụng, giao thông thủy lợi; bất động sản và dịch vụ vận tải. Tháng 9-2011, xí nghiệp Tấn Lộc lợi dụng việc tận thu gỗ (được Sở NN&PTNT cấp phép) ở lòng hồ Tả Trạch, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, đưa người, phương tiện vào khai thác vàng trái phép, phá rừng… Với việc này, Ban QLDA Tả Trạch, lãnh đạo UBND xã Dương Hòa xác nhận và đã lập biên bản vi phạm đối với xí nghiệp Tấn Lộc. Và đơn vị này được xem là “vàng tặc”.
Năm 2008, Ban QLRPH A Lưới và xí nghiệp Tấn Lộc ký hợp đồng khai thác 63,6ha tại tiểu khu 315, thuộc xã Hương Phong và 120,1ha tại tiểu khu 299, xã Phú Vinh. Nhưng, xí nghiệp Tấn Lộc không nộp 2,853 tỷ đồng còn thiếu và quá thời hạn khai thác một năm. Ban QLRPH A Lưới đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng sau 3 năm mới được xí nghiệp Tấn Lộc trả lại tiền. Trong tờ trình gửi UBND tỉnh, ông Vang không đề cập đến sai phạm của xí nghiệp Tấn Lộc mà biện hộ là do ảnh hưởng của thời tiết và suy thoái kinh tế nên việc khai thác chậm. Tháng 10-2011, tiến hành thanh tra tại Ban QLRPH A Lưới, thanh tra tỉnh phát hiện sai phạm của các cá nhân, đơn vị, trong đó có ông Vang. Ngày 5-12-2008, ông Vang viết tay ép Ban QLRPH Sông Hương cho xí nghiệp Tấn Lộc vay 200 triệu đồng để khai thác 57,1ha rừng với nội dung: “Thân gửi anh Sơn, anh Hợp. Anh cho anh Lộc mượn 200 triệu đồng để trồng rừng Jbic không thời hạn… Hai anh quan tâm cho, đồng thời trồng rừng 2008”. Còn GĐ xí nghiệp Tấn Lộc cũng bằng bản viết tay mà mượn được của Ban QLRPH A Lưới 200 triệu đồng để làm hợp đồng mua rừng.
Qua kiểm tra 12 hồ sơ khai thác rừng trồng tại Ban QLRPH A Lưới, thanh tra phát hiện Sở NN&PTNT chỉ phê duyệt hồ sơ thiết kế mà không cấp giấy phép khai thác (trái quy định của Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác). Việc khai thác tận thu 119,56ha gỗ rừng trồng giao đất cho 2 xã Hương Phong và Hồng Thượng, Sở NN&PTNT chỉ làm Công văn số 33 ngày 12-1-2009 mà không có quyết định phê duyệt về thiết kế, dự toán. Việc khai thác 25,5ha rừng tại xã Sơn Thủy cũng không có các quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán mà chỉ có biên bản giữa Sở và Chi cục lâm nghiệp… 

Nguồn: phapluatxahoi.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button