Sớm tìm nguồn cấp thay thế nguồn nước sông Thừa Lưu
[ad_1]
Đoàn tham gia khảo sát tại bể sơ lắng
Sau khi đoàn khảo sát thực tế tại bể sơ lắng nhà máy (điểm tiếp nhận nước nguồn từ đập đầu nguồn). Đại diện Công ty và Đoàn kiểm tra, người dân và đại diện các địa phương liên quan đã có những trao đổi, chia sẻ xung quanh sự việc này.
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO thay mặt toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên công ty gửi xin lỗi khách hàng về chất lượng cấp nước do sự cố bể lọc số 2 vừa qua. Và cho biết, đây là bài học của công ty và các công ty cấp nước, đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra sự cố như hiện nay. Công ty sẽ luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ người dân, cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện hệ thống chăm sóc khách hàng và đảm bảo cấp nước an toàn và an ninh nước.
“Yêu cầu HueWACO ngừng sử dụng nước sông Thừa Lưu”
Tại buổi làm việc, đại diện UBMTTQ Việt Nam xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, một số người dân xã Lộc Tiến, Lộc Thủy nêu nhiều quan điểm. Người dân cho rằng, việc khắc phục sự cố cấp nước hiện nay của Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế chậm; không đồng tình việc lấy nguồn nước sông Thừa Lưu vì cho rằng nguồn nước này không đảm bảo.
“Con sông này ô nhiễm nhiều năm qua, nằm gần các đồng ruộng có nguồn nước ô nhiễm do rác thải và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, con sông cũng nằm cạnh mỏ đá đang khai thác bằng hình thức nổ mìn. Vì thế, chất lượng nước không đảm bảo cấp nước cho người dân. Việc lấy nước từ sông Thừa Lưu cũng không được đơn vị cấp nước trao đổi, thỏa thuận với người dân nên chưa đảm bảo được quy chế dân chủ” ông Trương Văn Túc, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Lộc Tiến chia sẻ.
Một ý kiến khác cho rằng, hiện các vòi nước của các nhà dân phải lọc mới đưa vào sử dụng hàng ngày. Chỉ một vài người đi mua nước bình để dùng tạm hoặc đi lấy nước suối về sử dụng cho việc giặt, tắm rửa… Người dân yêu cầu công ty đưa ra bằng chứng chứng minh nguồn nước nhà máy đang cung cấp đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Đăng Hưng, thôn An Bằng, xã Lộc Thủy đề nghị công ty phải thực hiện chính sách đền bù thiệt hại cho người dân.
Cần phối hợp tìm nguồn nước thay thế
Lắp đặt trạm xử lý nước cơ động
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Anh Thư, Phó Trưởng Khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế cho rằng, với chức năng kiểm tra, kiểm soát và ngoại kiểm chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh. Qua các đợt kiểm tra chất lượng nước (trừ sự cố này) 21 nhà máy nước trên địa bàn đều đạt tiêu chuẩn yêu cầu về sử dụng nước sạch trong sinh hoạt gia đình và các chỉ số đều được công khai. Trong sự cố này, trung tâm cũng đã tiến hành lấy mẫu và hiện các chỉ số vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Sự cố cấp nước là điều không ai mong muốn, công ty đang rất nỗ lực trong khắc phục sự cố cũng như nỗ lực trong cấp nước trên địa bàn nên rất cần sự chia sẻ.
Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân và các đơn vị liên quan, ông Trương Công Nam cảm ơn các ý kiến chia sẻ của người dân, các cơ quan liên quan, cam kết sẽ có chính sách đền bù thiệt hại cho người dân chứ không phải hỗ trợ. Đồng thời chia sẻ, công ty đang nỗ lực tập trung khắc phục sự cố, huy động nhân lực 100 công nhân làm 3 ca lắp đặt khẩn cấp 2 bồn lọc áp cơ động và tạm thời ngưng hoạt động bể lọc bị sự cố để bảo dưỡng, sửa chữa; lắp đặt sensor đo chất lượng nước trực tuyến liên lục 24/7. Đội ngũ công nhân, kỹ thuật cũng theo sát phản ảnh của khách hàng để tiến hành súc xả nước cho người dân, đồng thời tối 4/8 và sáng ngày 5/8 đã tiến hành thông rửa 7km đường ống; tối 5/8 sáng ngày 6/8 sẽ tiến hành thông rửa 4,8km còn lại .
Về việc yêu cầu ngừng sử dụng nước sông Thừa Lưu trong cấp nước, ông Nam lý giải trong 3 năm qua nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng cao dẫn đến hiện tượng thiếu hụt nguồn nước nhất là vào các ngày cao điểm nắng nóng, trong khi đó lượng nước nguồn về nhà máy giảm từ 40 đến 60%, nước nguồn thiếu hụt nghiêm trọng điều này là việc bất khả kháng. Công ty thường xuyên tiến hành khảo sát, tìm kiếm các nguồn nước cấp cho các khu vực. Trước mắt, công ty đang tiến hành thi công một trạm xử lý nước cơ động tại Thủy Yên với 6 bồn lọc áp, thi công gần 2,9km đường ống D225 cấp nước tạm thời cho người dân. Dự kiến trong ngày 8/8 sẽ thi công hoàn thành đồng thời công ty cũng đang xin ý kiến của huyện Phú Lộc và các đơn vị liên quan để có thể khai thác nguồn nước từ suối Mơ (thị trấn Lăng Cô) để xây dựng nhà máy 2.000m3/ngày đêm. Khi hoàn thành trạm xử lý nước và nhà máy này mới có thể ngừng lấy nước sông Thừa Lưu.
Khảo sát điểm lấy nước sông Thừa Lưu
Sau khi kiểm tra và lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận tinh thần cầu thị của ban lãnh đạo công ty khi đã thừa nhận lỗi và có các giải pháp khắc phục sự cố nhanh.
Sau khi kiểm tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, khí hậu những năm gần đây rất khắc nghiệt, nguồn nước bị cạn kiệt, lượng mưa thấp ảnh hưởng đến nước nguồn phục vụ nhu cầu cấp nước của người dân là điều khó tránh khỏi. Hệ thống lọc nước gặp sự cố, HueWACO phải tập trung kiểm tra toàn bộ nhà máy, xử lý sự cố một cách nhanh nhất. Những hạng mục hư hỏng cần nhanh chóng xử lý thay mới để nguồn nước cung cấp tới tận nhà dân được đảm bảo an toàn.
Trong tình hình thực tế, người dân không đồng thuận việc sử dụng nước sông Thừa Lưu để phục vụ cấp nước, lãnh đạo chính quyền địa phương cần có phối hợp chặc chẽ và hỗ trợ công ty trong tìm kiếm các nguồn nước thay thế đảm bảo có nguồn phục vụ nhu cầu cấp nước. Công ty tính toán, bố trí nhà máy xử lý nước cơ động để cung cấp nước tạm thời cho người dân đồng thời có giải pháp dài hơi để đảm bảo cấp nước lâu dài. Khi có sự cố cần nhanh chóng thông báo đến người dân và chính quyền địa phương để cùng chia sẻ, đồng thời tính toán để có chế độ hỗ trợ cho người dân phù hợp.
Kết thúc buổi kiểm tra, Chủ tịch HĐQT HueWACO thông báo Công ty sẽ có thông cáo gửi báo chí và các địa phương. Đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra sự cố như ngày hôm nay. Trước mắt, công ty cũng hỗ trợ 40% chi phí tiền nước trong tháng cho người dân và với kỳ 2 tháng mức này sẽ là 20%. HueWACO sẽ tiếp thu và sẽ gặp mặt mặt các hộ dân có phản ánh trên địa bàn để có hướng xử lý khắc phục trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Thảo Nguyên