Tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp và thích ứng với trạng thái bình thường mới
[ad_1]
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận tại phiên họp
Thu ngân sách vượt dự toán được giao
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đại Vui, nhìn chung, tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng cơ bản được duy trì ổn định, đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện ý chí quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị và sự điều hành sát sao của UBND tỉnh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục có sự phát triển ổn định: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 3,94% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, chỉ số IIP tăng 5,28% so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định. Khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là lĩnh vực du lịch (doanh thu từ du lịch ước đạt 1.091 tỷ đồng, giảm 63,4%). Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khá, cụ thể kim ngạch xuất khẩu ước đạt 726,8 triệu USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ và đạt 79,0% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 470 triệu USD, tăng 39,4% so cùng kỳ và đạt 81,86% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, thu ngân sách tăng cao, đã vượt dự toán được giao, huy động vốn tăng khá, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8 tháng ước đạt 16.808 tỷ đồng, bằng 62,3% KH, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách 8 tháng ước đạt 6.801 tỷ đồng, vượt 12% dự toán và tăng 22% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 5.645 tỷ đồng, gần bằng 53% dự toán. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra, mới đạt gần 40% kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 24 dự án với tổng vốn đầu tư 13.319 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 16 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng. Đến 31/8/2021, có 415 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.273 tỷ đồng, giảm 17,3% về lượng và giảm 41,3% về vốn.
Xác định động lực mới cho tăng trưởng
Phát biểu tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh cơ bản đồng tình với báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tập trung phân tích tình hình, đề xuất các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, việc kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định đến phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhằm bảo vệ thành quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Không để dịch bùng phát, lan rộng trong cộng đồng, các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chuẩn bị kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh trong tình huống người dân Thừa Thiên Huế trở về quê khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam bắt đầu nới lỏng giãn cách.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung rà soát những nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án cụ thể đã được đề ra từ đầu năm đến nay chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm do tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời bổ sung các giải pháp và đôn đốc triển khai thực hiện hiệu quả. Các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức đánh giá cụ thể mức độ tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành, lĩnh vực và địa phương; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng các kịch bản tăng trưởng năm 2022 theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp và thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án lớn, trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm để tạo động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thành lập mới, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, chống thất thu ngân sách; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực đối với các dự án trọng điểm, nhiệm vụ cấp thiết về an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. Kiên quyết thu hồi các khoản phải thu sau thanh tra, kiểm tra.
“Để làm được điều này trong tình hình hiện nay, chúng ta phải đoàn kết, thống nhất, huy động trí tuệ tập thể để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng; trong đó, chủ động xây dựng kịch bản, linh hoạt ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra. Cùng với đó, huy động tối đa các nguồn lực cả bên trong và nguồn lực bên ngoài để tiếp tục có những đột phá phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương lưu ý.
Bài, ảnh: Thái Bình