Thắt chặt chi tiêu
[ad_1]
Việc đầu tư công trong thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên cho những công trình cần thiết, cấp bách (ảnh minh họa). Ảnh: Hoàng Loan
Sở dĩ tôi nói rồi cuối cùng là vì, cách đây hơn một tháng, tôi có dịp có mặt trong một buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh với một đơn vị sự nghiệp, khi bàn vấn đề liên quan đến tài chính, ông Phan Ngọc Thọ có nói, đại ý, tỉnh bây giờ cũng phải xem xét lại việc chi tiêu cho phù hợp với tình hình. Khả năng năm nay ngân sách hụt nguồn thu vì những biến động ở các lĩnh vực tạo nguồn thu lớn cho tỉnh là du lịch và bia Huế…
Điều hành ngân sách và cân đối chi tiêu gồm hai việc: thu và chi. Nếu hầu bao dồi dào, tăng chi ở mức hợp lý cũng là một yếu tố kích thích tăng trưởng. Và tăng chi tốt nhất là vào lĩnh vực đầu tư phát triển. Điều này vừa tạo ra nền tảng hạ tầng ngày càng tốt để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế (và cả hoạt động xã hội). Một điều nữa là tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Như thế để nói rằng, không phải tăng chi ở lĩnh vực nào cũng tốt như nhau.
Có con số thống kê nguồn chi tiêu của Việt Nam chúng ta, có những thời điểm chiếm hơn 80%, tức là chi cho nuôi bộ máy. Mà bộ máy thì rất công kềnh, hoạt động kém hiệu quả (hiện nay thì cùng với chương trình cải cách hành chính đã được cải thiện hơn rất nhiều). Như vậy, khoản chi này nhiều chưa hẳn là đã tốt. Ở một vế khác, mục chi tiêu thường xuyên nhiều nó sẽ làm teo tóp mục chi đầu tư phát triển. Ngân sách Việt Nam chúng ta chưa dồi dào, ngân sách Thừa Thiên Huế càng không được dồi dào hơn (chưa cân đối được chi tiêu ngân sách).
Trong điều kiện bình thường, chúng ta đã phải hạn chế chi tiêu thường xuyên, gọi là tiết kiệm chi. Những năm vừa qua, mỗi năm ngân sách đều tiết kiệm chi 10%. Gọi là tiết kiệm chi, nhưng theo tôi, gọi tên chính xác là “giảm chi”, tức là những khoản chi không cần thiết, đưa dần vào chi hợp lý. Ban đầu khi thực hiện chủ trương tiết kiệm chi, có không ít đơn vị “kêu”, nhưng sau thì cũng quen dần vì biết là việc chẳng đặng đừng. Có nhiều đơn vị khi tiết kiệm chi, đáng lý là gặp khó khăn nhưng không phải vậy, nó lại dôi ra ở mục phúc lợi. Điều này một mặt cho thấy, trong chi tiêu còn nhiều bất hợp lý, nếu không muốn nói là có những mục còn lãng phí; mặt khác càng thúc đẩy cho họ tiết kiệm chi hơn. Một ví dụ nhỏ này thôi. Khi không quản lý chặt chẽ, một tờ giấy đôi khi họ chỉ in một mặt. Nhưng khi khoán rồi, ngay lập tức họ in trên hai mặt của tờ giấy.
Giờ, trong điều kiện dịch bệnh, nguồn thu hụt, lại càng phải giảm chi nhiều hơn. Và suy cho cùng, có muốn chi cũng không lấy gì để mà chi. Có lẽ, trong điều kiện hiện nay, điều đáng bàn là chi tiêu hợp lý. Chi hợp lý là cần kíp hơn bao giờ hết. Nghĩa là ưu tiên chi cho những nhu cầu thiết yếu trước. Nếu không cần thiết sử dụng ô tô thì không nên đi ô tô. Nếu cần quá phải đi thì chịu khó đi xe máy; giảm sử dụng điều hòa đi và nên sử dụng quạt máy; chuyển một phần từ sử dụng giấy sang môi trường mạng… Thậm chí, thực hiện những việc to tát hơn là kiện toàn lại bộ máy hợp lý, hoạt động hiệu quả.
Chỉ thị của UBND tỉnh nêu rất rõ: Điều hành ngân sách theo phương châm “thu giảm, chi giảm” và đề ra nhiều kịch bản điều hành ngân sách. Ví dụ dịch bệnh kết thúc vào tháng 6 thì sẽ như thế nào, tháng 9 thì sẽ như thế nào. Các đơn vị hưởng ngân sách dứt khoát phải tiết kiệm 10% trong 8 tháng cuối năm. Ngay nguồn đầu tư xây dựng cơ bản cũng phải giảm đối với những công trình chưa thật sự cấp bách, con số được chỉ ra cụ thể, ít nhất là 120 tỷ đồng…
Trong điều kiện hiện nay, có thể nói giảm chi là một mệnh lệnh. Nó còn có một ý nghĩa khác là, chính quyền sẽ có điều kiện hơn để chăm lo cho cuộc sống của những người dân gặp khó khăn.
Rồi có lẽ qua đợt giảm chi này, chúng ta sẽ xem xét lại, khi giảm chi như vậy, bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn không. Nếu chi ít mà hoạt động hiệu quả hơn thì đó là điều đáng mừng trong việc “thắt chặt chi tiêu”!
Lê Phương