Tôm nuôi bị chết nhiều nơi
[ad_1]
Người dân thu hoạch tôm 2 tháng tuổi bị bệnh
Tại xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang), tình trạng tôm chết bắt đầu xảy ra tại hộ ông Lê Văn Hiếu. Qua kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép, mẫu tôm cũng cho kết quả âm tính với virus đốm trắng.
Tình trạng tôm chết được điều tra, xác định và kết quả là do hộ này chưa thực hiện kỹ khâu cải tạo ao hồ, vội vàng thả giống khi chưa đảm bảo các yêu cầu, quy định nên sau một tháng nuôi có hiện tượng chết rải rác, bình quân mỗi ngày chết 30 – 50 con. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Vinh Xuân có 17 hộ với khoảng 9,5 ha tôm nuôi (7 – 25 ngày tuổi) bị chết.
Chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp khoanh vùng dịch và xử lý dịch bệnh. Qua thu thập thông tin từ các hộ nuôi này cho thấy, chủ cơ sở nuôi mua giống qua một thương lái với mức giá trung bình khoảng 110 đồng/con, không có hồ sơ nguồn gốc tôm giống. Có thể do chất lượng tôm kém, chưa qua kiểm dịch, kiểm tra bằng máy PCR trước khi thả dẫn đến dịch bệnh, chết.
Người dân kiểm tra ao nuôi
Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế tại thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân, Chi cục Thủy sản tỉnh còn phát hiện một hộ nuôi có tôm đang bị dịch bệnh và chết nhưng vẫn chưa báo với chính quyền địa phương và vẫn xả nước ra ngoài môi trường chưa qua xử lý. Nếu mẫu tôm bị bệnh đốm trắng, hoặc một số bệnh nguy hiểm khác sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng và tốc độ lây lan nhanh hơn khi thời tiết diễn biến thất thường. Chính quyền địa phương cùng với hộ này đang triển khai các biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.
Tại các xã Quảng An, Quảng Phước (huyện Quảng Điền) cũng đang có hiện tượng tôm sú chết rải rác từ nhiều ngày nay. Qua kiểm tra mẫu tôm bằng máy PCR cho kết quả bệnh đốm trắng và môi trường. Các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân đóng cống và xử lý theo đúng quy trình về phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, kết quả quan trắc 7 chỉ tiêu môi trường nước tại 13 điểm có nuôi thủy sản vùng đầm phá, ven biển và 4 chỉ tiêu vùng nuôi cá lồng trên sông đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng chỉ tiêu độ kiềm của 11/13 điểm nuôi thủy sản mặn – lợ có giá trị ở mức thấp. Điều này sẽ không tạo hệ đệm tốt, làm biến động độ pH giữa ngày đêm trong ao nuôi. Khi khoảng dao động pH giữa ngày đêm chênh lệch lớn hơn là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng bất thường đối với thủy sản nuôi như giảm ăn, bơi quanh sát bờ ao… làm tôm yếu và chết rải rác hàng ngày. Thực tế, tình trạng tôm chết đã xảy ra tại một số hộ nuôi chuyên tôm tại Phú Xuân, Vinh Xuân (huyện Phú Vang), Quảng An (huyện Quảng Điền).
Chi cục Thủy sản khuyến cáo, các thời điểm thường ảnh hưởng rõ rệt đến thủy sản nuôi là giao mùa, mưa giông, nắng nóng… Do đó, người nuôi cần trang bị bộ testkit đo nhanh môi trường nước trong ao trước khi thả giống, theo dõi sự biến động các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi hàng ngày để có biện pháp kiểm soát chất lượng nước, kiểm soát chế độ cho ăn và bổ sung các chất cần thiết cho đối tượng nuôi.
Các vùng nuôi tôm có độ kiềm thấp, bà con cần thận trọng khi cấp nước vào ao (cấp từ từ và ít hơn 30% lượng nước trong ao); sử dụng vôi để ổn định pH nước trong ao nuôi. Để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu các thiệt hại và hạn chế dịch bệnh xảy ra, các địa phương tiếp tục tuyên truyền và giám sát, hướng dẫn người nuôi chủ động phòng bệnh trong thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường (nắng nóng, mưa giông).
Người nuôi cần chuẩn bị giải pháp ứng phó phù hợp, tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật quản lý, chăm sóc thủy sản nuôi như bổ sung vitamin, khoáng vào thức ăn của cá. Chuẩn bị máy bơm, sục khí, nguyên, nhiên liệu sẵn sàng để tạo dòng chảy, tăng cường ôxy, giải phóng các loại khí gây hại đến cá nuôi nhằm hạn chế rủi ro và thiệt hại xảy ra.
Tin, ảnh: Hoàng Triều