Xã hội Huế

Nhân rộng mô hình nuôi cá theo hướng VietGap

Xã hội Huế – Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đạt được những tiến bộ trong công tác khuyến nông, lâm, ngư; trong đó có hai mô hình nuôi cá theo hướng VietGap cần được nhân rộng.
Được Dự án phát triển nuôi cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ, năm 2013, tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục triển khai mô hình nuôi ghép cá chép V1. Cá chép V1 (cá chép lai 3 máu) là kết quả lai ghép 3 dòng: cá chép trắng Việt Nam, cá chép vẩy Hung-ga-ri và cá chép vàng In-đô-nê-xi-a. Các hộ tham gia mô hình nuôi ghép cá chép V1 được hỗ trợ 100% con giống; 30% thức ăn và các vật tư, thiết bị khác. Sau khi thả 30.000 con giống tại xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà), xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) và xã Điền Môn (huyện Phong Điền) với tỷ lệ ghép: 50% cá chép V1, 25% cá rô phi, 20% cá trê lai, 5% cá mè, cá chép V1 với ưu thế vượt trội so với cá chép thường như: tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cỡ thương phẩm lớn (trung bình từ 0,7 – 1,0 kg/con/vụ nuôi). Khả năng phòng bệnh đối tượng nuôi này cũng tốt hơn, vì vậy cá chép V1 đang thu hút nhiều hộ dân đầu tư nuôi.

Mô hình nuôi ghép cá chép V1 tạo điều kiện thuận lợi, giúp bà con phát triển nghề nuôi, mở ra hướng làm kinh tế mới, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Dự kiến, từ một số kinh nghiệm của các hộ nuôi ban đầu, họ chính là những người tham gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ lân cận, để tiếp tục nhân rộng mô hình vào vụ nuôi tới (tháng 10/2003).
Bên cạnh đó, mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính theo hướng VietGap cũng thu hút sự quan tâm của người nuôi trồng thủy sản ở Thừa Thiên – Huế. Mô hình này đang được triển khai tại các xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Phong Xuân (huyện Phong Điền) và Phú Xuân (huyện Phú Vang). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần giống, vật tư và được tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi cá theo hướng an toàn sinh học từ khâu kỹ thuật cải tạo ao, chăm sóc, phòng trị bệnh….
Đặc biệt, quá trình nuôi theo hướng VietGap giúp người dân bỏ thói quen sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi phù hợp, giúp cả người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Quá trình nuôi cá phát triển tốt, các hộ nuôi tuân thủ quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; trọng lượng trung bình đạt gần 0,5 kg/con, tỉ lệ sống 75%, năng suất 9 tấn/ha. Một số hộ dân thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGap, với hồ nuôi có diện tích khoảng 3.000 m2, thả nuôi hơn 8.000 con, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/năm. Ưu điểm của cách nuôi này là cá ít bệnh, nhanh lớn, sản phẩm tiêu thụ nhanh do được thị trường ưa thích.
Với tiềm năng, lợi thế của hệ thống ao hồ, đầm phá ở Thừa Thiên – Huế hiện nay, nếu các mô hình nuôi cá nói trên được nhân rộng thì đây sẽ là nguồn lợi lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh.

Nguồn: tamnhin.net

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button