Từ ăn vặt đến giải thưởng của S-IVB
Giáo dục Huế – Ba học sinh của trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Huế gồm: Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Hoàng Tuệ (lớp 11A3) và Nguyễn Phú Hào (lớp 11A7), vừa nhận được giải thưởng duy nhất của Việt Nam, do tổ chức S-IVB (Mỹ) trao tặng, sau khi thực hiện nghiên cứu và đưa ra những lời cảnh báo về thức ăn đường phố.
“Điểm mặt” thức ăn đường phố
“Việt Nam là một trong những nơi thức ăn đường phố khá phổ biến nhưng ở đó tiềm tàng những gây các bệnh như tả, lỵ, tiêu chảy… Trong ba đứa mình thì đứa nào cũng từng một lần bị đau bụng sau khi ăn đồ vặt ở vỉa hè về. Huế cũng là nơi có nhiều quán ăn, giải khát vỉa hè nằm trong mối nguy cơ chung” – Trưởng nhóm Nguyễn Phú Hào bắt đầu câu chuyện về đề tài “Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để xác định một số gen sinh độc tố của vi khuẩn Escherichia Coli và Vibrio Cholerae có trong thực phẩm đường phố” của nhóm.
Liên tục trong 3 tháng cuối năm 2012, ngoài thời gian học chính khoá, học thêm Phú Hào, Hoàng Minh và Hoàng Tuệ hằng ngày các cậu học trò chia nhau đạp xe đạp khắp các chợ lớn, các quán nhậu những nơi tập trung nhiều thức ăn đường phố để thu gom mẫu về rồi cùng nhau nghiên cứu. Để tăng lượng kiến thức, tranh thủ thiết bị phục vụ cho công việc nghiên cứu, cả ba bạn đã tìm đến phòng thí nghiệm Công nghệ gen của Viện Tài nguyên môi trường và công nghệ sinh học – ĐH Huế để nhờ sự giúp đỡ. Cảm nhận được được sự nhiệt huyết và tính ứng dụng cao của đề tài, các nhà nghiên cứu, cán bộ của đơn vị này đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện hết sức để các bạn “dụng võ”. Từ những mẫu thực phẩm thu dung nhóm đã dùng máy Stomacher nghiền nhỏ, thu dung dịch sau đó phân lớp vi khuẩn, tập hợp các vi khuẩn cùng loại cho vào máy và đọc kết quả bằng máy chụp tia cực tím. Kết quả nhóm đã nghiên cứu qua gần 400 mẫu thức ăn. Trong quá trình nhóm còn sử dụng cả công nghệ hiện đại PCR (Polymesare Chain Reaction) để phá vỡ sự liên kết của enzyme khuếch đại làm tăng nhanh chóng số lượng gen. “Kết quả cho thấy các đồ ăn như bún hến, rau sống, giá đỗ là các loại có nhiều vi khuẩn độc tố nhất còn xôi hộp và cơm trắng là hai loại không có vi khuẩn. Qua công trình nghiên cứu này nhóm mình đưa ra lời khuyên cho người dân để tránh nguy cơ các bệnh về đường ruột, nhất là tiêu chảy từ các loại thực phẩm sống, không đảm bảo vệ sinh” – Hoàng Tuệ chia sẻ.
Giải thưởng cao quý
Với công trình nghiên cứu của mình Nguyễn Hoàng Minh, Nguyễn Hoàng Tuệ và Nguyễn Phú Hào đã dành được giải nhất trong cuộc thi khoa học kỹ thuật (Intel ISEF) của tỉnh Thừa Thiên – Huế được đề cử tham dự Hội thi Intel ISEF cấp Quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây. Tại cuộc thi này các bạn đã vượt qua 94 đề tài khác trong cả nước để vinh dự nhận giải thưởng của Hiệp hội Sinh học trong ống nghiệm – The Society for In Vitro Biology (S-IVB). Tự hào hơn khi cả ba biết rằng họ là những đại diện duy nhất của VN nhận được giải thưởng trong năm 2013. Giải thưởng SIVB hằng năm đều lựa chọn một quốc gia để trao giải, đối tượng là học sinh khối trung học, nhưng trước khi cái tên của ba bạn HS trường THPT Nguyễn Huệ được xướng lên thì trong các nước ở khu vực châu Á, mới chỉ có Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước đã nhận được giải thưởng S-IVB.
Theo thầy Trần Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, thì điều quan trọng là thông các hoạt động nghiên cứu khoa học đã tạo cơ hội cho chính các bạn HS biết được cách làm việc nhóm, kỹ năng thực hành, ứng dụng những gì mình học được, qua đó khơi dậy ngọn lửa đam mê học tập và nghiên cứu qua đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Còn Phú Hào, người mà những ngày hôm nay vẫn còn “cảm giấc lân lân vì vui” thì bộc bạch: “Thật ra giải thưởng S-IVB mang ý nghĩa tinh thần là chính. Theo truyền thống của giải thưởng này thì mùa hè tới tên của những tác giả cùng công trình đoạt giải sẽ được vinh danh trên trang web của S-IVB. Nghĩ đến cái tên về những HS Việt Nam lần đầu xuất hiện trên trang web cả nhóm rất đỗi tự hào”.
Nguồn: thanhnien.com.vn