Tuần lửa rừng mùa nắng nóng
[ad_1]
Phun nước lên các thực bì và lá khô để phòng cháy rừng hiệu quả nhất. Ảnh: NGUYỄN KHOA HUY
Một chuyến tuần rừng với kiểm lâm
Mấy ngày nay nắng nóng hừng hực liên tục. Những cánh rừng thông nhựa, keo tràm cũng ngả sang màu hanh nắng. Cành, lá vàng khô không thể trụ nổi dưới cái nắng hanh hao, phủ một lớp dày đặc phía những gốc thông già, keo tràm. Mùa cháy rừng có lẽ cũng bắt đầu.
Tôi điện thoại đăng ký làm việc với anh Lê Viết Ngọc Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế về phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Anh Vinh bảo, làm việc liên quan đến PCCCR nên thực tiễn, tai nghe mắt thấy, không nên ngồi trên bàn, bằng giấy tờ. Tôi đồng ý.
Có mặt tại trụ sở HKL TP. Huế đầu giờ chiều một ngày oi nồng. Nữ kiểm lâm Hoàng Kim Quy và một số nam kiểm lâm của đơn vị đã chờ sẵn. Vừa chạm mặt, kiểm lâm Kim Quy bảo: “Anh đến làm việc PCCCR, vậy thì theo em. Cũng may anh đến đúng hẹn, chứ chậm chút thôi thì phải vào rừng mới tìm được em”.
Chữa cháy rừng thông ở TP. Huế năm 2020
Vừa dứt lời, Quy và một số nam kiểm lâm đề xe máy, hướng về phía những cánh rừng thông già ở khu vực đền Huyền Trân Công chúa. Dựng xe máy ven đường, chúng tôi theo chân kiểm lâm tiến đến những đồi thông. Những bước chân của chúng tôi luôn kèm theo tiếng rôm rốp của lớp lá thông khô giòn dễ cháy.
Cầm trên tay chiếc ống nhòm, Quy cùng anh em kiểm lâm phóng tầm mắt về phía đằng xa, đảo mắt quanh những cánh rừng thông. Kiểm lâm dùng loa kết hợp tuyên truyền đến với các hộ lâm dân, người dân sống cạnh rừng, những người vào thắp nhang, đốt vàng mã tại các khu lăng mộ, nghĩa trang cùng chung tay PCCCR. Cứ thế suốt một buổi chiều, chúng tôi theo chân những cán bộ kiểm lâm đến mấy đồi thông rộng lớn vài chục ha.
Một vụ cháy rừng thông năm trước ở TP. Huế
Điểm dừng chân cuối cùng kết thúc một buổi tuần lửa rừng là khu nghĩa trang TP. Huế. Trước khi quay trở về đơn vị, đổi ca tuần rừng, nhóm kiểm lâm không quên dạo quanh một vòng khu vực rừng thông cạnh khu nghĩa trang. Nhìn từ phía đằng xa qua ống nhòm, Quy và anh em kiểm lâm bỗng phát hiện một làn khói bốc lên từ những ngôi mộ, cạnh đó là khu vực rừng thông. Thông qua bộ đàm, anh em kiểm lâm báo thông tin sự việc về đơn vị, chính quyền địa phương và Nhân dân sống cạnh rừng.
Khi chúng tôi tiến đến khu vực bốc khói cũng là lúc ngọn lửa bắt đầu bập bùng, cháy lan khá nhanh. Lực lượng kiểm lâm sử dụng bàn dập lửa, cùng với sự tiếp sức, nước sinh hoạt của các hộ dân sống cạnh rừng, sau chừng 30 phút, ngọn lửa được dập tắt hẳn. Rừng không bị thiệt hại. Anh em kiểm lâm khẳng định, nguyên nhân lửa cháy chắc chắn từ sự bất cẩn của người dân khi đốt nhang, vàng mã ở lăng mộ.
Kim Quy bảo: “Các anh thấy rồi đấy! Đó chính là cái lợi lớn của biện pháp tuần lửa rừng. Nếu không có chuyến tuần lửa này thì không ai dám chắc khu rừng thông này được bảo vệ an toàn; thậm chí có nguy cơ bùng cháy nhanh, thiệt hại lớn khi không thể dập tắt kịp thời ngay từ đầu phát hiện”.
Tránh “thiệt đơn, thiệt kép”
Kinh nghiệm từ các vụ cháy rừng của nhiều năm trước, từ đầu mùa nắng nóng năm nay, lực lượng KL TP. Huế phân công lực lượng, hằng ngày tỏa khắp những cánh rừng thông, keo tràm trên địa bàn TP để giám sát, theo dõi, tuần lửa rừng. Một số kiểm lâm từng kiệt sức vì phải cuốc bộ, băng qua nhiều đồi dốc giữa những cánh rừng thông rộng lớn, trên lưng gùi thiết bị, dụng cụ PCCCR, thức ăn, nước uống…
Lực lượng kiểm lâm sẵn sàng phòng cháy chữa cháy rừng
Những kiểm lâm nữ như Kim Quy, nhiều lúc tuần lửa đêm không tránh khỏi sự sợ hãi, rờn rợn khi băng qua những khu nghĩa trang, lăng mộ. Lúc mọi người chìm trong giấc ngủ, thì ngoài kia phía cánh rừng thông, khu nghĩa trang, anh em kiểm lâm nghe rõ những tiếng côn trùng xen lẫn, đom đóm, thỉnh thoảng tiếng thông reo cũng rợn người.
“Có lần, đang tuần tra tại khu vực nghĩa trang bỗng phát hiện ngọn lửa leo lét, cả nhóm kiểm lâm giật mình, bỏ chạy mỗi người một hướng. Ngay sau đó, mỗi người tĩnh tâm, liên lạc với nhau quay trở lại ngay nơi phát ngọn lửa sáng. Hóa ra chỉ là một ngọn đèn dầu tại một ngôi mộ. Anh em kiểm lâm tắt ngọn đèn trước khi rời khu vực này, còn không sẽ không biết chuyện gì xảy ra nếu cây đèn bị gió, hay con vật làm đổ giữa ngôi mộ chứa đầy lá thông khô”, một kiểm lâm kể.
Cán bộ Ban Quản lý rừng Bắc Hải Vân tuần lửa rừng
Cán bộ KL TP. Huế cho rằng, tuần lửa rừng thật sự là giải pháp hữu hiệu, có thể phát hiện, ngăn chặn kịp thời khi đám cháy vừa mới khởi phát. Thà chịu khó, chịu khổ ngày đêm tuần lửa rừng để sớm phát hiện, dập tắt kịp thời, còn hơn lửa cháy bùng phát sẽ “thiệt đơn, thiệt kép”. Những vụ cháy rừng nhiều năm qua, ngành kiểm lâm, vũ trang tốn bao công sức, tiền của mới ngăn chặn, dập tắt những đám cháy lớn, nhưng rừng thì vẫn bị thiêu cháy, thiệt hại nặng.
Hao tốn tiền của, công sức đã đành, nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời, để xảy ra cháy lớn thì nguy cơ gặp nạn đối với các lực lượng, Nhân dân tham gia chữa cháy rừng cũng rất cao. Còn nhớ cách đây mấy năm, trong lúc tham gia dập lửa tại một vụ cháy rừng ở miền núi Nam Đông, một chiến sĩ quân đội bị thiệt mạng do ngọn lửa bốc cháy mạnh, lây lan nhanh khiến anh không kịp thoát. Đây chính là bài học đắt giá cho lực lượng kiểm lâm, mà sâu sắc nhất chính là bài học tuần lửa rừng. Chỉ khi phát hiện, dập tắt kịp thời thì mới tránh được thiệt hại lớn về rừng và bảo vệ an toàn tính mạng trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng mùa nắng nóng.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, tính riêng năm vừa qua, trong số 87 vụ phát cháy trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời khoảng 25 vụ. Số vụ cháy còn lại gây thiệt hại hơn 35 ha, chủ yếu thông nhựa và keo tràm. Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy như hiện nay, việc tích cực phòng cháy, nhất là tuần lửa rừng là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn cháy rừng kịp thời mà các địa phương cần hưởng ứng, nhân rộng.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU