Kinh tế Huế

Ứng phó bệnh chết héo trên cây keo

[ad_1]


Biểu hiện bệnh chết héo trên cây keo

Mấy ngày nay, người dân xã Phong Mỹ (Phong Điền) rất lo lắng trước nhiều cây keo trên địa bàn bị bệnh chết héo. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, loại bệnh nguy hiểm này xuất hiện trở lại. Các hộ dân tích cực triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý nhưng bệnh vẫn chưa giảm.

Ông Nguyễn Nam ở xã Phong Mỹ lo lắng: “Bệnh chết héo trên cây keo tại địa phương diễn ra từ hơn một tuần nay. Một số cây có dấu hiệu héo lá, cành, ngọn và dần dần chết cây. Các biện pháp xử lý theo kinh nghiệm và hướng dẫn của chính quyền địa phương, cán bộ bảo vệ thực vật đã được triển khai nhưng bệnh vẫn không khỏi. Nhiều cây đang tiếp tục bị bệnh gây hại”.

Theo kinh nghiệm của ông Nam cũng như người dân Phong Mỹ, một trong những biện pháp xử lý hiệu quả, có thể chữa khỏi bệnh khi các lô rừng bị bệnh dưới 15% đến 50% là, các hộ trồng tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy (đốt) các cây bị bệnh chết héo, chỉ giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh. Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân trên 50% cần chặt bỏ, thanh lý toàn bộ các lô rừng theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, bệnh chết héo xảy ra tại các địa phương trong vòng mười ngày nay.

Đến nay, huyện đang thống kê số cây, diện tích bị mắc bệnh để có biện pháp xử lý. Bước đầu xác định tỷ lệ bệnh gây hại trung bình từ 15-20%, những nơi cao 30-35%. Ngành nông nghiệp huyện cùng cán bộ bảo vệ thực vật tỉnh đang tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý.

Ngoài huyện Phong Điền, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 23/5, trên địa bàn tỉnh có khoảng 125ha keo bị bệnh chết héo. Đây là loại bệnh nguy hiểm, khó chữa và đang tiếp tục phát sinh, gây hại với tỷ lệ bệnh 15-20%, nơi cao 30-50% diện tích, tập trung tại huyện A Lưới, TX. Hương Thủy… Nguyên nhân gây bệnh chết héo trên cây keo là do nấm Ceratocystis manginecans.

Triệu chứng của loại bệnh này khó nhận biết, người dân cần phải thường xuyên theo dõi, lưu ý thật kỹ trên thân, cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước, chảy gôm hoặc sùi bọt. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lưu ý, người dân cần tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh, ngăn chặn không để loại bệnh này xảy ra gây nguy hại đến cây keo. Cụ thể, người dân phải xử lý thực bì trước khi trồng ba tháng; thu gom thực bì, cành, nhánh sau khai thác, băm nhỏ, xử lý bằng vôi bột, hoặc có thể đốt thực bì có kiểm soát.

Các hộ, tổ chức, cá nhân cần đào hố trước khi trồng ít nhất một tháng, bón vôi và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố, phơi ải hố ít nhất hai tuần sau khi bón vôi, kết hợp sử dụng các chế phẩm phòng chống mối, kiến trước khi trồng. Khi phát hiện cây bị bệnh cần phải chặt bỏ và tiêu hủy. Trước khi trồng lại phải xử lý thực bì, hố đất theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button