Kinh tế Huế

Vượt qua “thách thức kép” thiên tai & dịch bệnh

[ad_1]


Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, từ nay đến cuối năm có khoảng 7-9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có 3-4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, mưa lớn cực đoan tại khu vực Trung Trung Bộ vào tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12, trong đó có địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong khi khoảng thời gian từ nay đến cuối năm là cao điểm diễn ra bão, lũ, sạt lở đất… Vậy phương án phòng, chống bão lụt của tỉnh trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch sẽ như thế nào, thưa ông?

Để chủ động PCTT, nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Ngoài những phương án ứng phó thiên tai hàng năm được đưa ra, tỉnh cũng yêu cầu thêm các nhiệm vụ mới, trọng tâm gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là công tác di dời dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, các đơn vị như Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị nhằm hỗ trợ các địa phương, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả thiên tai sát với tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Sở Y tế xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai; sẵn sàng phương tiện, thiết bị, cơ số thuốc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho Nhân dân tại các khu cách ly tập trung của tỉnh và các khu cách ly tại địa phương; các trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế xã cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế, thuốc men cần thiết, kể cả điều trị ban đầu cho bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ.

Khu vực nguy cơ sạt lở núi ở Phú Lộc, phải di dời 4-5 lần trong một năm nhằm đảm bảo an toàn

Hiện nay, các địa phương xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh, lưu ý phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất theo phương châm “bốn tại chỗ”. Triển khai phương án bảo vệ các vùng trọng điểm xung yếu, bổ sung các vị trí di dời, sơ tán dân bảo đảm an toàn PCTT và dịch bệnh.

Ở một số địa phương, đặc biệt là địa phương ven biển, vùng núi cao có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn khi bão, lũ xảy ra. Trong trường hợp thực hiện giãn cách, phong tỏa để phòng chống dịch bệnh thì công tác di dời dân cần những điều kiện gì?

Ngày 23/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã ban hành tạm thời sổ tay hướng dẫn công tác PCTT trong bối cảnh dịch COVID-19. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về triển khai ứng phó với bão số 5, trong đó lưu ý một số điểm khi triển khai ở các địa phương.

Đối với địa bàn tỉnh, cần xác định vùng xung yếu, vùng biển, vùng núi cao, các vùng nguy cơ sạt lở, nhất là trong điều kiện đang áp dụng các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm có phương án chủ động ứng phó và di tản, bảo vệ dân phù hợp.

Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…), các địa phương cần sơ tán dân, bố trí khu vực phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch tại địa phương, trình UBND tỉnh để chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức thực hiện.

Tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán, test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ, F0 trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng) theo chỉ đạo của ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Các địa phương trong trường hợp cần thiết đề nghị lực lượng công an, dân quân tự vệ, bộ đội, tổ chức đoàn thanh niên… hỗ trợ công tác sơ tán dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của mưa bão, lũ. Chú ý ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ có thai; bảo đảm an toàn trong quá trình sơ tán và tại khu vực sơ tán; thực hiện tốt công tác kết hợp quân, dân y trong PCTT.

Tại các điểm sơ tán, phải thực hiện giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, trang bị đầy đủ các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu vực sơ tán.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có những hướng dẫn cụ thể nào với chính quyền địa phương, người dân trong tình huống vừa ứng phó thiên tai cùng dịch bệnh như hiện nay?

Thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang trở thành “thách thức kép” tại nhiều địa phương. Trong tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có sổ tay hướng dẫn công tác PCTT trong bối cảnh dịch COVID-19 đến các cấp tại địa phương, các lực lượng PCTT chuẩn bị, có phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra.

Sổ tay tập trung hướng dẫn địa phương xây dựng phương án ứng phó, thực hiện hoạt động PCTT trong bối cảnh dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”, trách nhiệm, nhiệm vụ của lực lượng xung kích PCTT cơ sở; tham gia, phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan thực hiện các hoạt động PCTT và phòng, chống dịch tại địa phương; bổ sung nội dung phòng, chống dịch bệnh trong thực hiện kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai.

Song song với đó, sổ tay cũng cung cấp kiến thức về phòng, chống dịch bệnh giúp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, các lực lượng PCTT nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCTT trong bối cảnh dịch bệnh.

Giúp các địa phương sớm đưa các nội dung phòng, chống dịch bệnh trong các hoạt động xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kịch bản, kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Hướng dẫn nhiệm vụ thường xuyên, trước, trong và sau thiên tai của lực lượng xung kích PCTT.

PCTT trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch là vấn đề mới. Vậy, ngành, địa phương có những giải pháp, đề xuất dài hơi gì để tránh “thảm họa kép”?

Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống, ngay từ bây giờ các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư, hậu cần ứng phó thiên tai. Trong đó, quan trọng nhất vấn đề sơ tán dân, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm tại nơi sơ tán tập trung, trang bị đủ thiết bị y tế, hóa chất khử trùng.

Ngành cũng đề xuất tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các ứng dụng truyền tin của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của tỉnh phát các bản tin cảnh báo thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động phòng tránh và nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động chuẩn bị ứng phó thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch COVID-19.

Sử dụng đường dây nóng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 (19001075) hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho cộng đồng; đưa ra các quyết định nghiêm cấm người ra đường khi có bão, lũ lớn qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xin cảm ơn ông!

HÀ NGUYÊN (Thực hiện)

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button