Xử lý mạnh sim rác
[ad_1]
Tuyên truyền về không sử dụng sim rác cho tiểu thương chợ Đông Ba
Bán sim kích hoạt sẵn công khai
Thời gian qua, Sở TT&TT triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý sim điện thoại đã được kích hoạt sẵn bằng tài khoản ảo (sim rác), bước đầu đạt được kết quả nhất định, góp phần khắc phục tình trạng sim rác, tin nhắn rác tràn lan trước đây.
Thông qua Đô thị thông minh Hue-S, sở đã tiếp nhận 78 phản ánh và yêu cầu nhà mạng xử lý 78 thuê bao phát tán tin nhắn rác. Kiểm tra điểm bán sim lưu động của DN VietnamMobile, phát hiện 134 sim rác và xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng.
Cuối 2019, Thanh tra sở kiểm tra đột xuất và phát hiện 2 điểm bán sim đã kích hoạt sẵn, với số lượng 138 sim của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone và VietnamMobile.
Ngày 31/12/2019, Công an tỉnh cùng thanh tra sở tiến hành kiểm tra đột xuất 2 đối tượng (trú TP. Huế), phát hiện 1.938 sim rác của các nhà mạng. Số sim này được đặt mua ở các tỉnh phía Bắc với mục đích sử dụng kích hoạt ví điện tử Momo ảo. Công an tỉnh đã thu giữ số lượng sim nói trên để phục vụ việc điều tra, làm rõ.
Mới đây nhất, thanh tra sở phạt 2 cơ sở bán sim kích hoạt sẵn (từ tỉnh khác mang về Huế bán) với số tiền 60 triệu đồng. Kết quả trên cho thấy tình trạng bán sim kích hoạt sẵn vẫn diễn ra công khai và khá dễ dàng.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn cho hay, để “tuyên chiến” với sim rác, sở thường xuyên theo dõi, tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, chất lượng dịch vụ cũng như việc thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất với các DN viễn thông, đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Đồng thời, tổ chức cho các DN viễn thông thực hiện ký cam kết về quản lý thuê bao di động để chấm dứt tình trạng sim rác trên địa bàn.
“Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Sim rác được kích hoạt ở ngoại tỉnh đưa về lưu thông trên địa bàn, trong khi người bán là lao động không có việc làm, buôn bán tự do; địa điểm bán thì lưu động khiến lực lượng của sở gặp khó trong quản lý, thanh kiểm tra và xử lý theo quy định.
Thêm vào đó, tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo… được phát tán bởi sim rác đăng ký ngoài tỉnh, thông tin đăng ký thuê bao không chính chủ khó xử lý khi tiếp nhận phản ánh của người dân”, ông Sơn nói.
Tuyên truyền trước khi xử phạt
Để đạt được mục tiêu Thành phố không sim rác năm 2020, nghĩa là không phát sinh mới sim rác (không bao gồm sim kích hoạt từ ngoại tỉnh tuồn vào Huế hoặc đăng ký từ nhà mạng bên ngoài vào), Sở TT&TT sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát thường xuyên. Qua đó, chấm dứt hoạt động với những cơ sở kinh doanh buôn bán sim không có giấy phép. Với các DN đã ký cam kết sẽ yêu cầu DN nghiêm túc thực hiện cũng như tăng cường truyền thông cho cơ sở, điểm bán.
“Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước của các DN. Vì bản thân cơ sở dữ liệu là gốc để kiểm soát nhanh nhất. Đồng thời, tăng cường xử phạt mạnh trong việc phát hiện và xử lý sim rác. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho các cơ sở huyện, thị xã, thành phố để huy động lực lượng này vào xử lý”, ông Sơn thông tin.
Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế Phan Xuân Hồng cho biết, chủ trương của tập đoàn đến các tổng công ty đều quán triệt mạnh tay với sim rác. Các DN quyết tâm với việc ký cam kết trước đó. “Nhưng thú thật, đôi khi DN không quản lý được hết các kênh bán bên dưới. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương, sở đẩy mạnh công tác truyền thông về Thành phố không sim rác để các đơn vị, hộ kinh doanh cá thể biết và có sự phối hợp với DN viễn thông”, ông Hồng nói.
Trong giao ban khối viễn thông quý I-2020 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng, bên cạnh những tổ chức kinh doanh vi phạm, có vấn đề về nhận thức của người dân. “Trước đây, việc mua bán sim rác tràn lan. Người dân đi mua sim kích hoạt sẵn và họ không ý thức được mình đang vi phạm. Vì vậy, song song với công tác xử phạt, việc tuyên truyền là hết sức quan trọng. Sở cùng các DN cần tập trung tuyên truyền để người dân không sử dụng sim rác trong thời gian tới”, ông Định yêu cầu.
Bài, ảnh: Liên Minh