Những học sinh đam mê làm phim
Giáo dục Huế – “Thả một chiếc máy quay vào bụng các em, để thấy các em nghĩ gì, thích gì, mong muốn gì” đó là mục đích của cuộc thi “Làm phim cho học sinh Việt Nam” do đại sứ thiện chí Nhật-Việt khởi xướng từ năm 2006. Và ở cuộc thi năm nay, nhóm làm phim của ba bạn học sinh trường THPT Nguyễn Huệ đã dành được giải kỹ thuật với bộ phim mang tên “Sự giải trí nguy hiểm”.
Đó là Nguyễn Ngọc Trường, Võ Văn Phú và Nguyễn Đỗ Thanh Tùng . Điều ấn tượng đầu tiên ở ba học sinh này đó là cả ba đều khá sáng tạo, hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn . Khi quyết định lập nhóm làm phim, các bạn đã rất hợp rơ nhau từ khâu chọn đề tài cũng như việc thống nhất cảnh quay.
Trường,Tùng và Phú đều chọn khối A để học thi ĐH. Dù học ở các lớp khác nhau và rất bận rộn với học nhưng tất cả đều đam mê phim ảnh và luôn tìm cơ hội để thực hiện những cảnh quay mình yêu thích.
Tác phẩm đoạt giải lần này tuy là được đánh giá cao về mặt kỹ thuật nhưng nộ dung của nó cũng mang lại cho người xem nhiều suy nghĩ. Đây là đoạn phim kể về một cậu bé ngày nhỏ thường xuyên xem phim bạo lực. Những đoạn phim cậu xem luôn ám ảnh trong tâm trí cậu chính vì vậy tính cách của cậu ngày càng bạo lực hơn. Cậu thường xuyên gây gỗ với bạn bè và tưởng tượng mình có năng lực siêu nhân có thể đánh bại tất cả mọi người. Năm năm sau, sự việc đáng tiếc xảy ra , trong lúc chơi đùa cùng một người bạn, cậu ta đã nổi nóng và dùng dao đâm bạn mình giống như một cảnh phim cậu từng xem trước đó. Bộ phim ngắn kết thúc như vậy và để lại cho người xem rất nhiều suy nghĩ. Thông điệp bộ phim muốn mang lại cho người xem đó là “Hãy cho trẻ em sự giải trí lành mạnh, xem phim bạo lực sẽ ảnh hưởng đến trẻ em rất nhiều” .
Cả ekip đã có sự phân công rõ ràng. Ngọc Trường và Văn Phú lựa chọn cảnh quay, tìm diễn viên và trực tiếp bấm máy, trong khi đó Thanh Tùng chịu trách nhiệm dựng phim, dùng kỹ xảo và những hiệu ứng về hình ảnh cũng như âm thanh. Lần đầu tiên làm phim ngắn nên các bạn trẻ này cũng gặp đôi chút khó khăn bởi các diễn viên tham gia quá nhỏ tuổi và chưa từng diễn xuất trước ống kính.
Ngoài những cảnh quay chân thực, một chủ đề rõ ràng, bộ phim ngắn “Sự giải trí nguy hiểm” đã tạo sự chú ý cho người xem bởi phim không có lời bình, âm nhạc được sử dụng là một bản nhạc giao hưởng và họ đã kể một câu chuyện trọn vẹn trong khoảng thời gian hơn 5 năm. Những hiệu ứng về âm thanh và hình ảnh do một thành viên trong nhóm là Thanh Tùng tự tìm tòi trên mạng đã quyết định đến kết quả của bộ phim Chính những trải nghiệm trong gần nữa tháng làm phim đã giúp 3 bạn có cái nhìn khác hơn về cuộc sống.
Dù chỉ đoạt giải kỹ thuật, nhưng nhóm đã có cơ hội được tham gia liên hoan phim trẻ quốc tế ở Nhật Bản với học sinh của 11 quốc gia Châu Á khác. Đó là một niềm vui, là một kỷ niệm khó quên của nhóm làm phim, và vui hơn nữa bởi Trường, Phú và Tùng đã có một cơ hội thể hiện tính sáng tạo, khả năng khám phá thế giới xung quanh mình qua cuộc thi làm phim rất ý nghĩa này.
Theo bài: Khánh Hà, Ảnh: Định Phước – Nguồn: Trt.vn