Tìm giải pháp giúp xã có nhiều người chết vì bệnh ung thư
Xã hội Huế – Trước nhiều thông tin trên báo chí về xã Phong Sơn có nhiều người chết do ung thư, ngày 11/12 mới đây, ông Ngô Hòa – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh TT-Huế – đã có cuộc họp với các ngành liên quan nhằm tìm biện pháp tháo gỡ.
Tỉnh chú trọng đầu tư nước sạch
Tham gia cuộc họp có đại diện lãnh đạo các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên – Môi trường, Khoa học và Công nghệ cùng UBND huyện Phong Điền (TT-Huế).
Ông Ngô Hòa nhận định: “Báo chí nêu là đáng trân trọng, vấn đề là ngành chức năng phải tìm hiểu nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Cần phải có sự chia sẻ những mất mát, khó khăn của người dân”. Ông Hòa cũng thừa nhận sự thật là ở Phong Sơn có người chết vì ung thư. Có thể có nhiều nguyên nhân như do dioxin, thuốc trừ sâu hay nguồn nước bị nhiễm phèn. Bởi vậy thời gian tới, cần quan tâm đến vấn đề nước sạch.
Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết huyện đang gửi đơn lên Bộ Tư lệnh hóa học đề nghị về kiểm tra nồng độ dioxin trong đất, nước ở xã Phong Sơn. Nếu tỷ lệ dioxin quá cao sẽ di dời các vùng dân cư bị ảnh hưởng lớn ra nơi an toàn.
Phương án của tỉnh TT-Huế thời gian tới là sẽ cấp bình nước sạch cho khoảng 200 hộ dân trong số hơn 1.200 hộ đang phải sử dụng nước ô nhiễm; sau đó sẽ đầu tư công trình nước tự chảy, trước mắt cung ứng nước sạch cho khoảng 700-800 hộ dân của xã.
Sở Y tế “phản ứng”Trong khi đó, theo văn bản phản hồi tình hình ung thư tại xã Phong Sơn của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền gửi báo Dân trí thể hiện sự không đồng tình với con số “hàng trăm” mà báo nêu. Số liệu mà Sở Y tế tỉnh này điều tra là 60 người chết vì ung thư.
Theo đó, Sở Y tế đã về xã Phong Sơn tiến hành điều tra qua 2 đợt khảo sát. Theo kết quả, trong 10 năm từ 2003-2012 ghi nhận được 66 trường hợp chết do ung thu và nghi ung thư; trong đó, cao nhất là ung thư gan, phổi và dạ dày.
Riêng 5 năm trở lại đây (từ 2008-2012), số tử vong do ung thư và nghi ung thư là 43 ca (tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước – PV). Sở này cũng đã dẫn chứng thêm nhiều ví dụ ở bình quân con số toàn tỉnh, cả nước để “quy” ra số người chết do bị ung thư và nghi ung thư tại xã Phong Sơn là nằm trong xu hướng chung của cả tỉnh và toàn quốc.
Tuy nhiên, trong bài viết cũng như trong quá trình đi thu thập thông tin, phóng viên đã thu thập số liệu người chết từ hơn 30 năm nay chứ không phải là 10 năm như Sở Y tế điều tra. Đồng thời, ông Trần Ngọc Quang, cán bộ văn phòng xã Phong Sơn cũng đã khẳng định là có hàng trăm trường hợp bị ung thư và chết từ mấy chục năm nay, kể từ sau năm 1975 đến giờ.
Tinh thần chung là báo chí đồng hành cùng người dân, chính quyền nhằm tìm ra các giải pháp để giúp dân. Qua báo chí, tỉnh đã quan tâm đề ra phương án cung cấp nước sạch cho người dân. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
Nhưng tại kết luận của Trung tâm y tế huyện lại ghi: “mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ của quý cơ quan và đưa ra những kết luận có kiểm chứng rõ ràng và khoa học… nhằm tránh những tác động hoang mang cho người dân, cũng như ảnh hưởng đến tình hình phát triển du lịch trên địa bàn huyện”.
Xin khẳng định, báo chí không phải là cơ quan chuyên về làm khoa học. Việc kiểm chứng số lượng nhiều người bị ung thư hay nghi ung thư và tử vong thuộc trách nhiệm ngành y tế và các ban ngành liên quan khác. Tình trạng người mắc và chết vì ung thư xảy ra đã hàng chục năm nay nhưng chỉ sau khi báo chí lên tiếng, Sở Y tế mới “cập rập” đi kiểm tra và nêu kết luận 66 người chết là “bình thường”. Mong rằng kết luận này không vô cảm vì “bệnh thành tích”!
Đại Dương – Dân Trí