Cán bộ “giam“ tiền bồi thường, dân khốn khổ
Pháp luật Huế – Trước khi qua đời vào năm 2000, bà Huỳnh Thị Lý (ở tổ 25, khu vực 5, phường Vĩ Dạ, TP.Huế) đã lập di chúc để lại mảnh đất gần 1500m2 cho hai người con gái và cháu nội là anh Tống Phước Sanh. Nhưng khi mảnh đất trên được giải tỏa đền bù với số tiền hơn 3 tỷ đồng thì bị Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư (viết tắt là HĐBT) của UBND TP.Huế “giam” lại vì cho rằng bản di chúc này không hợp pháp (?). Việc làm này của HĐBT đã đẩy gia cảnh của anh Sanh và hai người cô ruột vào cảnh khốn cùng.
Bản di chúc hợp pháp
Ngày 06/4/2000, bà Huỳnh Thị Lý lập bản di chúc để lại mãnh đất 1479m2 thuộc thửa đất số 33, tờ bản đồ số 44 tọa lạc tại tổ 13, Khu vực 5, phường Vỹ Dạ, TP.Huế. Theo đó, những người được hưởng thừa kế gồm anh Tống Phước Sanh và 2 người cô ruột của mình là các bà Tống Thị Thí, Tống Thị Mùi (hiện đang sống chung). Bản di chúc này được UBND phường Vỹ Dạ đã xác nhận.
Tháng 10 năm 2000 bà Huỳnh Thị Lý mất. Năm 2012, nhà nước thu hồi 540,7m2 trong số diện tích đất nói trên để xây dựng hạ tầng Khu quy hoạch Vĩ Dạ 7 và phê duyệt giá trị bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Ngày 18/5/2012, HĐBT của UBND TP.Huế có công văn thông báo chi trả kinh phí bồi thường cho anh Sanh và các đồng thừa kế. Tuy nhiên, Khi anh Sanh và các đồng thừa kế đến làm thủ tục nhận bồi thường thì HĐBT không chi trả và cho rằng bản di chúc này không hợp pháp và có đơn khiếu nại của những người con còn lại của bà Lý.
Trong khi tiền bồi thường chưa được nhận thì vào tháng 12/2012, UBND TP.Huế có quyết định cưỡng chế giải tỏa đất và tài sản nói trên. Trước việc làm bất tuân pháp luật này của HĐBT, anh Sanh và các đồng thừa kế có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế kêu cứu. Khi chưa nhận được sự trả lời thì những ngày gần giáp tết Qúy Tỵ, UBND TP.Huế đưa xe đến múc toàn bộ ngôi nhà thờ, giải tỏa diện tích đất thu hồi nói trên.
Trước việc làm thiếu đạo lý của UBND TP.Huế, gia cảnh của anh Sanh và hai người cô ruột lâm vào cảnh khốn cùng. Tại hiện trường, ngôi nhà thờ có từ lâu đời của dòng họ Tống đã bị múc sập, khung cảnh hoang tàn ngay giữa trung tâm TP.Huế khiến cho người dân qua lại bức xúc.
“Họ đưa xe đến múc toàn bộ nhà thờ, hai bà cô trú ngụ trong căn nhà này giờ không có chổ nương thân. Bàn thờ tổ tiên phải che tạm bên mái hiên. Từ chổ có đất, có nhà chúng tôi lại bị đẩy vào thế cực cùng. Chúng tôi sẵn sàng nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhưng họ lại không cho nhận và tiến hành cưỡng chế trong khi chúng tôi là những người được hưởng di sản này theo di chúc” – anh Sanh bức xúc nói.
Anh Tống Phước Sanh bên căn nhà thờ bị đập nát
Theo hồ sơ chúng tôi có được thì bà Lý và chồng là ông Tống Phước Song (mất năm 1985) có 6 người con chung, trong đó người con trai duy nhất là Tống Phước Diệp- bố ruột của anh Sanh (mất năm 1970). Sau khi ông Song qua đời, năm 1998, những người con của ông bà đều có giấy khước từ nhận di sản thừa kế về thửa đất của gia đình và giao lại tài sản này cho bà Lý toàn quyền sử dụng. UBND phường Vĩ Dạ cũng có giấy chứng nhận bà Lý là chủ sử dụng lô đất nói trên.
Như vậy, từ năm 1998, bà Lý đã là người sở hữu lô đất nên bản di chúc của bà (được lập năm 2000) là hoàn toàn hợp pháp. Mặt khác, di chúc của bà Lý cũng được đại diện UBND phường Vĩ Dạ xác nhận là được lập trong tình trạng bà Lý minh mẫn, không bị ai ép buộc… Từ đó có thể thấy việc anh Sanh, bà Thí và bà Mùi được thừa kế lô đất trên theo di chúc là hoàn toàn đúng theo pháp luật.
Cán bộ không hiểu luật hay cố tình làm sai luật?
Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư của UBND TP.Huế cho rằng bản di chúc của bà Lý không hợp pháp vì “Không có người làm chứng” và do có đơn khiếu nại của những người con còn lại của bà Lý. Khi chúng tôi hỏi ông viện dẫn vào điều luật nào để nói như vậy thì ông Tuấn không đưa ra được và nói sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Huế (?).
Ông Tuấn cũng nói rằng trên phần diện tích đất được đền bù có phần đất của nhà thờ nên các đồng thừa kế này muốn nhận thì phải có giấy ủy quyền của những người con khác. Tuy nhiên, điều này được bà Lý nói rỏ trong bản di chúc rằng: “ Ngoài phần cho Tống Thị Mùi, Mùi có quyền quyết định mọi lĩnh vực như lãnh đạo gia đình, đất ở, nhà cửa cũng như lo phần hiếu sự sau này..”
Về vấn đề này, luật sư Trần Nguyễn Hữu Chi, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Việc HĐBTHT&TĐC không chi trả tiền bồi thường cho các thừa kế theo Di chúc là trái với pháp luật. Bất cứ ai không đồng ý với bản di chúc trên thì có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền”. Luật sư Chi cũng viện dẫn tại khoản 1, Điều 661, Bộ Luật Dân sự năm 1995 quy định về Thủ tục lập di chúc tại Công chứng nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:
Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.
Từ những cơ sở trên, rõ ràng việc “giam” tiền bồi thường của HĐBT TP.Huế là trái với pháp luật, UBND TP.Huế cần phải giải quyết dứt điểm để đem lại quyền lợi cho những người thừa kế đã được pháp luật quy định.
Nguồn: phapluatvn.vn