Du lịch miền Trung: Tiến 3 bước, lùi 2 bước
Tin tức Huế – Du lịch miền Trung chỉ biết dựa vào lợi thế, tiềm năng sẵn có mà chưa có hành động cụ thể tạo ra bước đột phá. Sự cạnh tranh theo lợi ích từng địa phương đã làm cho du lịch miền Trung vốn nhỏ lẻ càng manh mún, phân tán. Sau rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị cấp vùng, cấp quốc gia bàn về tính liên kết trong phát triển du lịch nhưng vẫn chưa tìm được lối ra.
Điệu tango buồn
Đó là cách ví von của ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch châu Âu, về sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Theo ông, ngành du lịch Việt Nam cứ tiến 3 bước lại lùi 2 bước, chẳng khác nào điệu tango buồn.
“Cần phải hiểu rằng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực về môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi. Nhưng các bạn phụ thuộc quá nhiều vào ưu đãi từ thiên nhiên. Ý định phát triển chưa đủ mà phải có những hành động cụ thể” – ông Kai Marcus Schroter khuyến cáo.
Điều này thể hiện rõ nét qua các tour, tuyến du lịch ở miền Trung trong suốt hơn 10 năm qua chỉ quanh đi quẩn lại di tích cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng… Thi thoảng lại thêm Festival Huế, Lễ hội Du lịch biển và cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Chính vì thiếu các sản phẩm du lịch mới, các tour, tuyến hấp dẫn khiến giá trị ngành du lịch mang lại quá thấp.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, dẫn chứng: Tổng lượng khách du lịch đến các địa phương miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) trong năm 2012 gần 17 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 4 triệu lượt (chiếm gần 60% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam).
Điều đó chứng tỏ khu vực miền Trung có sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế. Thế nhưng doanh thu du lịch toàn vùng chỉ đạt 15.076 tỷ đồng (chiếm 9,42% tổng doanh thu du lịch cả nước).
Nằm trên một dải đất hẹp ngang và trải dài với những bãi biển đẹp, có thể nói lợi thế lớn nhất và quan trọng nhất của miền Trung là kinh tế biển, trong đó đặc biệt là du lịch biển. Nhưng sự tương đồng này đang khiến sản phẩm du lịch bị trùng lặp, đơn điệu, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí bổ trợ.
Hầu như địa phương nào cũng có những tour du lịch tắm biển, thăm quan cảnh đẹp đơn thuần, du lịch tâm linh lễ chùa, lễ hội đua thuyền, cầu ngư…
Điều này dẫn đến hiện tượng xung đột lợi ích giữa các khu du lịch trong cùng địa phương và giữa các địa phương trong vùng, gây khó khăn cho việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch xuyên suốt cho toàn vùng. Bên cạnh đó, thiếu tầm nhìn trong đầu tư và vòng đời sản phẩm du lịch ngắn, nên việc đầu tư làm mới sản phẩm đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp du lịch.
Nhiều doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào các tỉnh duyên hải miền Trung hầu hết nguồn vốn gắn với bất động sản du lịch, thậm chí nhiều nhà đầu tư đăng ký chỉ nhằm mục đích “xí phần” đất, chờ cơ hội chuyển nhượng thu tiền chênh lệch. Vì vậy, tỷ trọng đầu tư thật sự vào du lịch miền Trung vẫn còn rất khiêm tốn và chưa có chiều sâu.
Xây dựng điểm đến duy nhất
Tại buổi tọa đàm “Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng vào hạ tuần tháng 3, các đại biểu cho rằng để nâng cao khả năng cạnh tranh và tính liên kết trong phát triển du lịch khu vực miền Trung, điều quan trọng và cần thiết nhất là lãnh đạo các địa phương phải xác định, xây dựng chiến lược phát triển du lịch theo hướng điểm đến duy nhất là miền Trung.
Trên cơ sở này, các địa phương sẽ xác định và đề xuất sản phẩm đặc thù dựa vào thế mạnh của các địa phương. “Mỗi tỉnh không chỉ có kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên thế mạnh riêng, mà cần liên kết chặt chẽ với địa phương khác để tạo nên những sản phẩm liên kết vùng và tránh sự trùng lắp” – ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Bình Thuận, đề xuất.
Bên cạnh sự phát triển của các khu du lịch cao cấp với những dịch vụ hiện đại, du lịch miền Trung cần khai thác có hiệu quả hơn văn hóa địa phương trong các sản phẩm du lịch. Đó cũng là một trong những điều tạo ra sự khác biệt với những địa phương và những quốc gia khác, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách nước ngoài.
Một doanh nhân nước ngoài cho biết, để quyết định đầu tư vào một dự án du lịch, các doanh nghiệp thường căn cứ vào rất nhiều yếu tố, trong đó có việc phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa địa phương. Điều này cũng tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư địa phương hưởng lợi trực tiếp từ du lịch, mang lại sự phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, du lịch miền Trung muốn hướng đến phát triển bền vững phải đi kèm với sự phát triển tương ứng của các ngành công nghiệp, nông nghiệp…
Hướng đến ngành du lịch chất lượng cao, ngành công nghiệp cũng phải hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm và ít tiêu hao tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yêu cầu bức thiết. Mặc dù có đến hàng trăm trường đại học, cao đẳng trong khu vực, song đào tạo về ngành du lịch vẫn chưa đạt yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Hầu hết phải tiến hành đào tạo lại, đặc biệt tại các khu du lịch cao cấp. Hiện nay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch toàn vùng có gần 2.000 người, nhưng 75% tập trung tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và chỉ có 33% nhân viên ngành du lịch trong vùng biết và sử dụng ngoại ngữ.
Theo: Nguyễn Hùng
Nguồn: saigondautu.com.vn