Huế: Nhân viên BĐVHX thu nhập 2,1 triệu đồng/tháng vào năm 2015
Xã hội Huế – UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ra quyết định phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm Bưu điện văn hóa xã, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, Đề án đặt ra các mục tiêu thực hiện từ nay đến năm 2013 gồm: Một là, xây dựng thí điểm 10 mô hình Trung tâm thông tin và truyền thông tại cộng đồng làm cơ sở để nhân rộng trong những năm tiếp theo. Hai là, đầu tư kinh phí nâng cấp trang thiết bị tại 27 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) với tổng số đầu sách phục vụ bình quân/điểm lên 500 quyển, nâng tổng số người đọc sách báo bình quân tại mỗi điểm trong 1 ngày từ 10 đến 20 lượt người (gấp 2 – 5 lần so với hiện tại); phấn đấu 27 điểm BĐVHX có đường truyền kết nối Internet và trang bị 4 bộ máy vi tính PC cùng đường truyền ADSL để truy cập Internet; phấn đấu nâng mức thù lao bình quân của nhân viên làm việc tại BĐVHX lên khoảng 1,65 đến 2,1 triệu đồng/người/điểm/tháng, Ba là, phấn đấu nâng tổng doanh thu trung bình một điểm BĐVHX lên 2 – 3,5 triệu đồng/tháng (gấp 2,5 đến 4 lần so với hiện tại).
Đến năm 2020, tiếp tục nhân rộng mô hình và phát triển bền vững các điểm BĐVHX trở thành điểm tựa trong các hoạt động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu 60% số điểm BĐVHX đạt chuẩn. Đề xuất Tổng Công ty Bưu điện đầu tư mới hoàn toàn 45/111 điểm BĐVHX còn lại theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của viễn thông, CNTT vào cuối năm 2020. Triển khai và nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại. Phấn đấu hoàn thành việc ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp tỉnh, thành phố, huyện, trung tâm thị trấn, thị tứ…; ứng dụng tin học hóa cấp bưu cục, điểm phục vụ, điểm BĐVHX…
Đề án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ nay đến 2015 thực hiện ở 27 xã; giai đoạn 2 từ 2015 đến 2020 sẽ triển khai ở các điểm còn lại. Kinh phí thực hiện được huy động từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.
Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án đưa ra các giải pháp là: Lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo các điểm BĐVHX của Thừa Thiên – Huế đều đạt tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng điểm cung ứng dịch vụ BCVT theo tiêu chí nông thôn mới về thông tin và truyền thông; Xây dựng lộ trình và kế hoạch cụ thể đưa Internet băng thông rộng về tới các điểm BĐVHX phục vụ phát triển kinh – tế xã hội của từng địa phương. Nhân viên điểm BĐVHX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ về BCVT, CNTT, kiến thức pháp luật… hàng năm.
Nhằm nâng cao thu nhập cho nhân viên điểm BĐVHX, sẽ ban hành cơ chế khuyến khích tăng trưởng doanh thu, nghiên cứu để hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho nhân viên điểm BĐVHX.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở TT&TT chủ trì triển khai thực hiện Đề án tại 27 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thực hiện việc lồng ghép mô hình điểm BĐVHX vào chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Nguồn: ictnews.vn