Kinh tế Huế

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô: Ưu tiên dự án phù hợp định hướng phát triển

Kinh tế Huế – Khu kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà sàng lọc, tìm những nhà đầu tư có năng lực thực thi cao và phù hợp với đặc trưng của KKT, cũng như định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), KKT Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa để vươn lên tầm cao mới. Vấn đề đặt ra đối với địa phương lúc này là quy hoạch KKT theo hướng nào, tập trung mời gọi những dự án trọng tâm nào, ưu tiên ngành nghề nào, dịch vụ hậu cần KKT ra sao?… Đây chính là những vấn đề mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận ra và đang tập trung dầu tư theo hướng hiệu quả nhất.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng ban Quản lý KKT Chân Mây – Lăng Cô cho biết, theo quy hoạch, KKT nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích 27.100 ha, trong đó diện tích khai thác, phát triển KKT khoảng 10.000 ha. Cùng với Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, việc hình thành KKT Chân Mây – Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng chính của miền Trung, là cầu nối với thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Theo ông Nguyên, KKT Chân Mây – Lăng Cô được phát triển theo mô hình KKT tổng hợp với cơ chế chính sách “mở”, được vận hành bởi khung pháp lý riêng với môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư, xây dựng. KKT Chân Mây – Lăng Cô bao gồm 5 khu chức năng chính: khu phi thuế quan, khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và khu cảng.
“Với khoảng thời gian 6 năm, có thể nói là quá ngắn để đưa ra một nhận xét xác thực về KKT. Thừa Thiên Huế có được sự thành công của các khu công nghiệp như hiện nay phải mất 20 năm, trong khi đó, để xây dựng thành công KKT, sẽ khó khăn hơn rất nhiều, vì KKT là mô hình phát triển tổng hợp, trong KKT có cả khu đô thị, khu du lịch, khu cảng biển, khu công nghiệp và khu phi thuế quan”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho rằng, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng hướng phát triển phù hợp cho KKT, vấn đề còn lại là cần phải có thời gian để vừa nghiên cứu thực tiễn vừa triển khai để điều chỉnh và hoàn thiện dần về định hướng, cơ chế, chính sách phát triển cho phù hợp. “KKT Chân Mây – Lăng Cô không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà sàng lọc với những nhà đầu tư có năng lực thực thi cao và phù hợp với đặc trưng của KKT này, cũng như định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Nguyên khẳng định.
Theo báo cáo, KKT Chân Mây – Lăng Cô đã quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng chính như khu đô thị, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch và khu cảng đã được lập và phê duyệt đảm bảo chất lượng, đúng quy định và đủ cơ sở để quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn KKT.
Trong đó, một số dự án quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, như quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây và Khu đô thị Chân Mây do tư vấn nước ngoài thực hiện. Đặc biệt, một số dự án có quy mô lớn của các nhà đầu tư thương hiệu, như Dự án Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree – Singapore có vốn đầu tư 875 triệu USD, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.230 tỷ đồng, Dự án đầu tư kho xăng dầu và cảng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vốn trên 500 tỷ đồng…
Tại cuộc họp gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu KKT sẽ thu hút vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015. Hiện Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút 34 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 36.500 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), trong đó có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD.
Lợi thế của Chân Mây – Lăng Cô là hội đủ điều kiện phát triển các dự án hạ tầng du lịch cao cấp dựa trên bãi biển đẹp, điều kiện đi lại thuận lợi chưa kể dễ dàng kết nối di sản Cố đô Huế với TP. Đà Nẵng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Lợi thế này được minh chứng qua việc Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) vừa hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn I, Khu du lịch sinh thái Laguna Lăng Cô.
Ông Ravi Chandran, Tổng giám đốc Laguna Lăng Cô cho biết, Tập đoàn Banyan Tree từ lâu đã rất quan tâm đến việc phát triển thương hiệu tại Việt Nam. Laguna Lăng Cô đã và đang giúp Tập đoàn Banyan Tree khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp du lịch đang phát triển mạnh mẽ tại Đông Dương. Dự án này cũng được xem là một trong những bước tiến lớn của Tập đoàn.
Cũng theo ông Ravi Chandran, với vị trí độc đáo bên biển Chân Mây, Laguna Lăng Cô kỳ vọng trở thành điểm đến nổi tiếng, như Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Đến nay, Laguna Lăng Cô đã vận hành giai đoạn I của Dự án gồm Khu nghỉ dưỡng Banyan Tree resort có 49 vila, Khu nghỉ dưỡng – khách sạn Angsana có 329 phòng và sân golf 18 lỗ với số vốn thực hiện 200 triệu USD.
Lợi thế lớn, giàu tiềm năng phát triển nhưng KKT Chân Mây – Lăng Cô cũng đối diện không ít thách thức, không chỉ dừng lại ở vấn đề dự án đầu tư còn khiêm tốn, năng lực chủ đầu tư chưa đủ mạnh, mà còn cả vấn đề về vốn đầu tư xây dựng hạ tâng. Để đảm bảo phát triển vững chắc, KKT Chân Mây – Lăng Cô cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư hợp lý, mạnh dạn sàng lọc các dự án kém hiệu quả.

Nguồn: baodautu.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button