“Màu xưa” bóng lộng và dự cảm
Văn hóa Huế – Huế có trường mỹ thuật (1957) đào tạo chuyên ngành sơn mài bài bản, lại sở hữu cả một gia tài “sơn son thếp vàng” mà hiện nay vẫn còn giá trị chói sáng tại các công trình kiến trúc cung đình, dân gian thời nhà Nguyễn.
Vì vậy, không gì lạ, mảng tranh sơn mài luôn là thế mạnh và nổi trội so với các chất liệu khác của mỹ thuật Thừa Thiên – Huế.
Nhiều họa sĩ đã và đang định danh với sơn mài như Đỗ Kỳ Hoàng (1931-2006), Trương Bé, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Thiện Đức, Võ Xuân Huy…
“Màu xưa” (*) quy tụ gần như đầy đủ họa sĩ sáng tác tranh sơn mài. 27 tác phẩm của 20 tác giả. Từ họa sĩ có thâm niên nghề nghiệp đến các họa sĩ trẻ bước đầu xác lập vị thế hoặc thử sức, làm quen với chất liệu này.
Có thể nêu tên một vài tác phẩm tiêu biểu có nhiều nỗ lực trong việc duy trì gam màu nóng đỏ truyền thống, tuy không lạ nhưng luôn long lanh huyền ảo, sang quý của chất liệu như: Miền tâm thức của Trương Bé, Chuyện cổ tích – số 3 của Nguyện Thiện Đức, Nhịp điệu công nghiệp của Nguyễn Văn Công, Mưu sinh I, II của Trần Quốc Bảo; tinh tế, tỉ mẩn như Hồi sinh I, II của Lê Phan Quốc và một thức mới cho sơn ta với thủ pháp tạo hình, bảng màu khác của Võ Xuân Huy qua Dấu ấn và thời gian I, II.
Chất liệu sơn mài biến ảo, đa dạng qua mỗi một tác phẩm, tác giả. Màu sắc sinh động, nhiều cung bậc. Cấu trúc bề mặt tác phẩm, phong phú đa dạng; cái trơn láng, phẳng – bóng – trong – sâu theo cách tạo hình truyền thống tương phản với sự thô nhám, nhăn co, nứt nẻ ám gợi đương đại đã làm bật lên sự đa dạng, tương phản và tính nhiều vẻ của đời sống. Đời sống được tái cấu trúc bằng cách cắt xén, đan cài tạo sự đa nghĩa hoặc được minh xét, soi chiếu bằng góc nhìn của triết lý, tôn giáo.
Triển lãm lần này tiếp tục phát huy vốn liếng và thành tựu mà các họa sĩ tiền bối dày công vun đắp cho sơn mài xứ Huế. Người xem nhận thấy đà hướng của sự phát triển. Tuy vậy, bên cạnh thành tựu đạt được, “Màu xưa” của Huế cũng không nằm ngoài vấn nạn chung của tranh sơn mài cả nước. Đó là chất liệu sơn ta – nguyên liệu truyền thống – phải đua chen cùng các loại sơn thời hiện đại. Nó bóng loáng lóa mắt bề mặt, nhanh khô và rẻ tiền như sơn hạt điều và các chủng loại sơn công nghiệp khác.
Các tác phẩm sơn mài làm bằng sơn ta dần thu hẹp trong các triển lãm dẫn đến hệ quả là chất lượng sơn mài tinh quý ngày một hòa loãng một cách đại trà.
Người thưởng ngoạn hôm nay, nếu không cơ duyên và hiểu biết thật khó hạnh ngộ với sơn mài sơn ta quý hiếm.
(*): Triển lãm “Màu xưa” nhân Festival nghề truyền thống Huế 2013 tại 26 Lê Lợi (Huế), do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế tổ chức từ ngày 27-4 đến 5-5-2013.
Nguồn: tuoitre.vn